BOT Cai Lậy: Sẽ thu phí 2 trạm?

Bộ Giao thông Vận tải thống nhất xây thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy, thu phí song song với trạm BOT cũ trên Quốc lộ 1

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thống nhất phương án sẽ xây thêm một trạm mới trên tuyến tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và thu phí song song với trạm BOT cũ đặt trên Quốc lộ (QL) 1 để hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy, tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua Tiền Giang (dự án BOT Cai Lậy). Việc xây thêm trạm được giao cho nhà đầu tư thực hiện.

Hoàn vốn sẽ dỡ trạm

Về phương án tài chính, Bộ GTVT cho biết trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu từng năm để có cơ sở đề nghị điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm phương án tài chính của dự án. Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư tham mưu cho Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án thu phí đối với dự án BOT Cai Lậy; đồng thời tham mưu cho Bộ GTVT có văn bản triển khai phương án tổ chức thu phí đối với dự án.

Như vậy, Bộ GTVT chưa đề cập phương án giảm mức phí tại trạm BOT cũ khi trạm mới đi vào hoạt động, mà trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu qua từng năm để có cơ sở điều chỉnh. Phương án được Bộ GTVT đưa ra trùng với phương án được UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lựa chọn tại Văn bản 130 ngày 26-8-2019. Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lập thêm một trạm trên tuyến tránh, thu cả 2 trạm trên tuyến tránh và QL1 hiện hữu để hoàn vốn đầu tư dự án. Trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó.

Trước đó, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, thu như cũ và miễn giảm giá vé cho phương tiện của 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm; hộ kinh doanh được giảm 50%, hộ không kinh doanh được miễn vé khi qua trạm; xe buýt được miễn vé; giảm giá vé chung cho tất cả phương tiện so mức giá vé ấn định ban đầu khi tổ chức thu phí vào năm 2017. Thứ hai, xây dựng thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thu phí đồng thời cả 2 trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó.

Phải hài hòa lợi ích

Dự án Đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy dài 38,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỉ đồng, gồm 2 hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4 km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km và 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí hoàn vốn trên QL1 đặt tại Km1999+900 QL1, nằm trong phạm vi dự án.

Từ khi trạm BOT Cai Lậy hoạt động từ ngày 1-8-2017, nhiều tài xế đã phản ứng, gây ùn tắc khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm, sau đó tạm dừng thu phí từ ngày 4-12-2017 cho đến nay.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành chức năng phải tính toán phương án hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư. BOT Cai Lậy bị người dân phản ứng là do đặt sai vị trí, thu phí tuyến tránh nhưng đặt trạm trên QL1. Đối với tuyến tránh, doanh nghiệp (DN) đầu tư làm mới, đặt trạm thu phí là đúng, ai đi thì trả tiền. Việc đưa ra phương án tiếp tục thu phí trên QL1 cần tính toán rõ, minh bạch với người dân.

Theo ông Hòa, DN bỏ tiền nâng cấp QL1 thì chuyện thu phí hoàn vốn cũng chính đáng. Tuy nhiên, đoạn được nâng cấp dài bao nhiêu, thu phí trong bao lâu, mức thu thế nào để bảo đảm phù hợp với chi phí chủ đầu tư bỏ ra. Ông Hòa đề nghị mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để kiểm toán quá trình nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Cần sòng phẳng

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng những lùm xùm kéo dài ở trạm BOT Cai Lậy không phải ở mức phí mà là vị trí đặt trạm. Tại dự án BOT Cai Lậy, tuyến QL1 vốn đầu tư tăng cường mặt đường, còn chính là ở tuyến tránh nên vị trí trạm thu phí cần đặt ở tuyến tránh. Còn để giải quyết việc nhà đầu tư đã bỏ chi phí thực hiện trên QL1, giải pháp hài hòa là nhà nước có thể mua lại. Dù Bộ GTVT chưa đề cập phương án giảm mức phí tại trạm BOT cũ khi trạm mới đi vào hoạt động nhưng trường hợp mức phí có thể giảm tối đa trên QL1 (trạm cũ) cũng sẽ khó được đồng tình.

"Người dân cũng như DN, tài xế sẵn sàng trả phí nếu dự án xây dựng phù hợp, thu phí đúng bản chất là đầu tư xây dựng ở đâu thì thu đó. Khi có sự sòng phẳng thì những rắc rối phát sinh sẽ được giải quyết" - ông Quản nói. G.Minh

Dùng tuyến tránh để giảm lưu lượng

Nói về việc cấm xe ba trục và xe 29 chỗ trở lên qua thị xã Cai Lậy mà phải đi vào tuyến tránh khiến nhiều DN vận tải lo lắng, chủ một DN chuyên kinh doanh vận tải khẳng định các giờ cao điểm xe vào thị xã thì có thể gây ùn ứ giao thông nhưng các giờ khác đường trống sao lại cấm hết các khung giờ trong ngày. Làm vậy chẳng khác nào ép xe vào tuyến tránh để thu phí. Chưa nói việc nâng cấp QL1 mà thu phí thì phí đường bộ nhà xe đã nộp khi kiểm định để làm gì, sao không sửa chữa QL1?

Về việc này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, nói: "Có tuyến tránh thì phải để các phương tiện lưu thông qua tuyến tránh nhằm giảm lưu lượng xe qua thị xã. Việc này chủ yếu phân luồng giao thông, chống ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông ở ngã tư Cai Lậy. Các phương tiện của DN vận tải trên địa bàn thị xã thì sở sẽ thống kê và cấp phép để lưu thông. Phòng Quản lý đô thị thị xã Cai Lậy thông tin cho DN trên địa bàn có nhu cầu lưu thông qua đoạn đường đang hạn chế liên hệ Sở GTVT để được hướng dẫn cấp phép lưu thông".

Về việc tuyến tránh có mặt đường nhỏ hơn QL1 hiện nay và xuống cấp, không bảo đảm giao thông, ông Bon khẳng định các xe chạy qua tuyến tránh vẫn ổn, nhanh hơn và không ùn tắc so với lưu thông qua nội ô thị xã. "Nếu tập trung hết vào QL1 thì sẽ ùn tắc đoạn ngã tư Cai Lậy, như vậy xây dựng tuyến tránh để làm gì?" - ông Bon nói. M.Sơn

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bot-cai-lay-se-thu-phi-2-tram-20200226214130342.htm