BRICS coi mình là 'hầm trú ẩn' của ngoại giao đa phương

Việc BRICS mở rộng khối đã mở ra không gian mới cho hợp tác về ngoại giao...

Các nhà lãnh đạo BRICS ở hội nghị thượng đỉnh của khối ở Rio de Janeiro ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đạo BRICS ở hội nghị thượng đỉnh của khối ở Rio de Janeiro ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đạo của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS ngày 6/7 chỉ trích xung đột ở Trung Đông, kêu gọi cải cách các định chế toàn cầu và đưa ra hình ảnh của khối như một “hầm trú ẩn” của ngoại giao đa phương trong bối cảnh các cuộc cung đột vũ trang và chiến tranh thương mại.

Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil, Tổng thống nước chủ nhà Luiz Inacio Lula da Silva so sánh BRICS với Phong trào Không liên kết (NAM) thời Chiến tranh lạnh - một nhóm các quốc gia đang phát triển từ chối vào phe với bên nào trong một trật tự thế giới phân cực.

Hiện nay, khi các diễn đàn như nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 và nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới G20 đối mặt với những mối chia rẽ và chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, việc BRICS mở rộng khối đã mở ra không gian mới cho hợp tác về ngoại giao.

“BRICS là sự kế thừa Phong trào Không liên kết”, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Lula nói với các nhà lãnh đạo dự hội nghị.

Các quốc gia BRICS hiện nay chiếm hơn một nửa dân số thế giới và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Trong bài phát biểu hôm thứ Bảy trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp BRICS, ông Lula dã cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

BRICS ra đời vào năm 2009, với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm hội tụ các nhà lãnh đạo từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, khối này đã bổ sung thêm Nam Phi là thành viên chính thức. Năm ngoái, BRICS kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào danh sách thành viên. Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên có sự tham gia của Indonesia.

“Khoảng trống do các quốc gia khác để lại cuối cùng đã được BRICS lấp đầy gần như ngay lập tức”, một nhà ngoại giao Brazil đề nghị không tiết lộ danh tính nói với Reuters. Mặc dù G7 vẫn tập trung quyền lực to lớn, “khối này không còn chiếm ưu thế như trước đây nữa” - nhà ngoại giao này nhận xét.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đang có những câu hỏi chưa có lời giải đáp về mục tiêu chung của một nhóm BRICS ngày càng không đồng nhất. Sau khi mở rộng, BRICS đang có những thành viên là đối thủ cạnh tranh của nhau trong cùng khu vực.

Phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.

Phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay vắng mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tham dự sự kiện, trong khi ông Putin có bài phát biểu trực tuyến.

“Mọi thứ cho thấy mô hình toàn cầu hóa tự do đang trở nên lỗi thời. Trung tâm của hoạt động kinh tế đang chuyển hướng sang các thị trường mới nổi”, người đứng đầu điện Kremlin phát biểu trực tuyến tại hội nghị. Ông Putin cũng kêu gọi các nước BRICS tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài nguyên thiên nhiên, hậu cần, thương mại và tài chính.

Sự mở rộng của BRICS đã gia tăng sức nặng ngoại giao cho hội nghị thượng đỉnh của khối với tư cách một diễn đàn mong muốn lên tiếng thay cho các quốc gia đang phát triển trên khắp Nam Bán cầu, đẩy mạnh lời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

“Nếu quản trị quốc tế không phản ánh thực tế đa cực mới của thế kỷ 21, thì BRICS phải giúp đưa việc quản trị đó trở lại phù hợp với hiện tại”, Tổng thống Lula nói trong bài phát biểu, chỉ trích các cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Thúc giục BRICS đi đầu trong cải cách, Tổng thống Lula nhớ lại hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại cùng địa điểm vào tháng 11 năm ngoái: “Trong một thời gian ngắn, bối cảnh quốc tế đã xấu đi đến mức một số sáng kiến mà chúng ta đã thông qua khi đó hiện tại không còn khả thi nữa”.

Trong tuyên bố chung đưa ra vào ngày 6/7, BRICS cảnh báo rằng sự gia tăng của thuế quan đang đe dọa thương mại toàn cầu. Nhóm cũng ủng hộ Ethiophia và Iran gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kêu gọi định chế này thiết lập lại khả năng giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo BRICS ủng hộ các kế hoạch thực hiện thí điểm sáng kiến Bảo lãnh đa phương BRICS trong Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm nhằm giảm chi phí đi vay và thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, trong một tuyên bố khác sau cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo, các nhà lãnh đạo BRICS đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ để chống lại việc sử dụng AI trái phép nhằm tránh thu thập dữ liệu quá mức.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/brics-coi-minh-la-ham-tru-an-cua-ngoai-giao-da-phuong.htm