BS Trương Hữu Khanh: Mùa Tết năm nay, cần lưu ý những bệnh gì?

Mối quan tâm của nhiều người trong mùa Tết này - liên quan biến chủng COVID-19 mới và một số bệnh khác... - được BS Trương Hữu Khanh giải đáp.

Hiện tại, mùa bệnh viêm hô hấp vẫn còn nhưng theo tôi, không nên quá lo lắng. Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thời điểm này xoay quanh các mầm bệnh quen thuộc như RSV (virus hợp bào hô hấp), virus adeno, cúm mùa, COVID-19 - vốn đã diễn tiến như một bệnh truyền nhiễm theo mùa thông thường.

Nên đeo khẩu trang nếu bạn "sụt sịt" trong mùa Tết nhưng đừng quá lo lắng bởi các mầm bệnh hô hấp hiện tại đều là các mầm bệnh thông thường - Ảnh minh họa từ internet

Nên đeo khẩu trang nếu bạn "sụt sịt" trong mùa Tết nhưng đừng quá lo lắng bởi các mầm bệnh hô hấp hiện tại đều là các mầm bệnh thông thường - Ảnh minh họa từ internet

Với COVID-19, biến chủng mới JN.1 đang được nhiều người quan tâm và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại "đáng quan tâm". Đáng quan tâm không có nghĩa là nó gây bệnh nặng mà chỉ có nghĩa là người ta đang theo dõi nó thôi!

Ngay khi phát hiện có biến thể mới ở TP HCM thông qua giám sát thì cũng có nghĩa là nó đã bắt đầu lây bệnh. Không chỉ ở Việt Nam, các nước xung quanh cũng như vậy. Do đó, không có gì phải sợ việc về quê ăn Tết, đi du lịch đón Tết... gây lây lan bệnh thêm. Thực tế, thời gian qua, không hề có sự gia tăng đột biến nào liên quan dòng COVID-19 mới này. Ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng không ghi nhận trẻ nào bị nặng vì biến chủng mới.

Vì vậy, biến chủng mới khả năng cũng chỉ là một dòng gây ra bệnh nhẹ như các dòng khác gần đây, nhất là khi chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng.

Các mầm bệnh hô hấp khác cũng vậy, đa số gây bệnh nhẹ. Tất nhiên, một số người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ vẫn có thể diễn tiến nặng hơn, ví dụ người già, người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính nặng. Cúm là một trong những mầm bệnh đáng ngại với nhóm này nhưng đã có vắc-xin.

Vắc-xin cúm bắt đầu có tác dụng trong vòng 10 ngày sau tiêm song cũng cần nhiều thời gian hơn để đạt được miễn dịch đầy đủ. Đó là loại vắc-xin tiêm mỗi năm một lần nên nếu một năm qua chưa tiêm thì nên đi tiêm, đặc biệt là các đối tượng nói trên.

Mùa này, cần lưu ý nhất là bệnh thủy đậu, nên tiêm ngừa vắc-xin. Thủy đậu là bệnh khó tránh trong đời, khi lớn mới bị thường sẽ nặng hơn lúc nhỏ. Khi bị thủy đậu, các bóng nước gây khó chịu, có thể để lại sẹo nếu bội nhiễm...

Chưa kể, thủy đậu còn có tầm lây kéo dài. Một bệnh nhân bị thủy đậu có thể lây cho người khác từ 2 ngày trước khi xuất hiện bóng nước và sau khi xuất hiện bóng nước 21 ngày. Cách ly hơn 3 tuần là rất khó khăn, nhất là với trẻ em.

Chính vì bắt đầu lây khi chưa có bóng nước và tầm lây quá xa như vậy mà thủy đậu dễ lây. Nhiều người đã khỏe sau 1-2 tuần vẫn có thể lây cho người khác.

Nếu đã lỡ tiếp xúc với người thủy đậu mà đi tiêm ngay, cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh nặng. Vắc-xin này bắt đầu có tác dụng sau 10 ngày trong khi thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 14 ngày.

Nếu lỡ mắc thủy đậu, nên đưa trẻ đi khám và chăm sóc theo hướng dẫn. Tuyệt đối không kiêng tắm bởi chỉ làm trẻ ngứa ngáy thêm, lại dễ gây bội nhiễm. Đặc biệt, không được chọc vỡ các bóng nước, bôi thuốc hoặc những thứ khác không theo chỉ định của bác sĩ.

BS Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Nhi Đồng 1)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bs-truong-huu-khanh-mua-tet-nam-nay-can-luu-y-nhung-benh-gi-196240206121637385.htm