BSC đề xuất 5 chiến thuật đầu tư thời thương chiến 2.0

Thương chiến 2.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Để ứng phó hiệu quả, BSC đã đề xuất 5 chiến thuật đầu tư phân loại rõ từ nhóm hưởng lợi, trung tính, phòng thủ và đầu cơ.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng căng thẳng, khả năng Mỹ áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không còn là điều xa vời. Các chuyên gia BSC đã xây dựng ba kịch bản chính phản ánh mức độ áp thuế khác nhau và tác động tương ứng đến nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản tích cực, với xác suất xảy ra khoảng 35%, giả định Mỹ chỉ áp thuế ở mức chọn lọc hoặc phần lớn hàng hóa, với mức thuế dao động từ 10% đến 15%. Trong trường hợp này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo chỉ giảm nhẹ, và vẫn có thể duy trì tăng trưởng ở mức 7 - 9%. Dòng vốn FDI tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng, dao động từ 7 - 9%, dù không còn mạnh mẽ như các giai đoạn trước. Tác động tiêu cực từ thuế quan lên nền kinh tế là tương đối hạn chế, khiến tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,2 - 0,4%.

Kịch bản cơ sở được đánh giá là có khả năng xảy ra cao nhất với 45%. Theo đó, Mỹ có thể áp thuế từ 15 - 25% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Khi đó, hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt, với tăng trưởng xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 5 - 7%. Dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể chững lại, với mức tăng trưởng ước tính khoảng 3%, do Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất. GDP có thể bị thu hẹp trong khoảng từ 0,4 - 0,95%.

Kịch bản tiêu cực xác suất thấp hơn, khoảng 20%. Nếu Mỹ áp thuế trên 25% đối với phần lớn hàng hóa từ Việt Nam, thương mại song phương sẽ chịu cú sốc lớn. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tụt xuống mức 2 - 5%. Nguy cơ dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam để tìm đến những quốc gia có điều kiện thuế ưu đãi hơn trở nên hiện hữu. Trong bối cảnh đó, GDP Việt Nam có thể sụt giảm trên 0,95%.

Các kịch bản trên được BSC xây dựng trên cơ sở phân tích những đặc điểm then chốt của kinh tế Việt Nam. Hiện tại, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có giá cạnh tranh tốt trong khu vực, đặc biệt là nhóm sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại, vốn chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu và chủ yếu đến từ khu vực FDI.

Việt Nam còn có lợi thế lớn về vị trí địa lý, chính trị ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn, với nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, giảm tiền thuê đất, phí phi nông nghiệp... Thêm vào đó, riêng tại thị trường Mỹ, khoảng 46% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ các mặt hàng có liên quan đến điện tử và linh kiện – nhóm hàng dễ bị đưa vào diện áp thuế nếu căng thẳng leo thang. Ngoài ra, các kịch bản cũng dựa trên tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng mức thuế 10% là “mức sàn”, trong khi 46% có thể là “mức trần”.

Khi nguy cơ Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang dần trở nên hiện hữu, BSC đã chỉ ra các chiến thuật đầu tư giai đoạn thương chiến và hậu thương chiến 2.0, được phân loại rõ ràng theo mức độ hưởng lợi, rủi ro và sức chống chịu với các kịch bản thuế quan mới.

Thứ nhất là nhóm hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ thúc đẩy của Chính phủ.

Một trong những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rõ rệt là các doanh nghiệp gắn với đầu tư công và chính sách kích thích từ Chính phủ. Với định hướng đẩy mạnh giải ngân các dự án hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, nhóm cổ phiếu về xây lắp hạ tầng, vật liệu có thể thu hút dòng tiền. Đồng thời, việc triển khai các dự án năng lượng, dầu khí cũng mang lại lợi thế cho những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực này.

Song song, các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm VAT, miễn visa du lịch cũng sẽ thúc đẩy nhóm bán lẻ và hàng không. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng sẽ hưởng lợi từ Nghị quyết 68/NQ-TW, định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tập đoàn thành động lực chính của nền kinh tế.

Ở chiều kích tiền tệ, nhóm ngân hàng đang có vị thế tốt để tận dụng việc nới lỏng tín dụng và chính sách hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ.

Thứ hai là nhóm hưởng lợi từ các chính sách Việt Nam tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Một hướng đi chiến lược của Việt Nam nhằm cân bằng thương mại là gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, mở ra cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ. Một số doanh nghiệp chăn nuôi sẽ được hưởng lợi từ giảm chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; hay doanh nghiệp nhập khẩu LNG. Trong khi đó, một số doanh nghiệp như phân bón, logistics, nhựa ống cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp nhờ giá dầu giảm.

Thứ ba là nhóm trung tính, ít ảnh hưởng hoặc liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa đi Mỹ.

Cụ thể, đây là những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu Mỹ thấp hoặc thiên về thị trường khác (như Trung Quốc), hoặc có khả năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các cổ phiếu nhóm thủy sản, phân bón, hóa chất sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm công nghệ - chuyển đổi số vốn ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thương mại hàng hóa.

Thứ tư là nhóm phòng thủ có khả năng duy trì tiền mặt và cổ tức cao. Trong giai đoạn bất định, nhóm cổ phiếu có nền tảng tài chính lành mạnh, tỷ lệ cổ tức cao và dòng tiền ổn định là lựa chọn hàng đầu cho chiến lược phòng thủ.

Thứ năm là nhóm đầu cơ. Đây là nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu lớn do bị ảnh hưởng bởi rủi ro thuế quan. Dù tiềm ẩn rủi ro cao, nhưng đây lại là nhóm có khả năng mang lại mức sinh lời hấp dẫn nếu kịch bản tích cực xảy ra như xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.

Hồng Ân

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bsc-de-xuat-5-chien-thuat-dau-tu-thoi-thuong-chien-20-post369920.html