Bữa trưa ở biên giới: một chính sách, nhiều tầng ý nghĩa
Trong dòng chảy chính sách vì an sinh xã hội, một quyết sách nhỏ về quy mô ngân sách nhưng lớn về tầm vóc nhân văn đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương triển khai việc hỗ trợ ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới đất liền ngay từ năm học 2025 - 2026. Chính sách này được cụ thể hóa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, mang đậm tinh thần của một Nhà nước lấy con người làm trung tâm, lấy công bằng giáo dục làm nền tảng.

Thực tế cho thấy, ở nhiều xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đường đến trường là cả một hành trình gian nan. Có em phải đi bộ hàng chục cây số, trèo đèo, lội suối. Trở về nhà vào buổi trưa là điều gần như không thể, vì vậy, nhiều em phải học bán trú.
Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ tiền ăn và gạo cho học sinh tiểu học và THCS ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tuy nhiên, chính sách này chủ yếu dành cho học sinh bán trú, hoặc con hộ nghèo, nhà ở xa trường, không thể đi - về trong ngày. Còn lại, phần lớn học sinh ở xã biên giới chưa được hỗ trợ .
Chính sách mới sẽ hỗ trợ bữa ăn trưa cho toàn bộ học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới đất liền (không phân biệt bán trú hay không bán trú, xã đặc biệt khó khăn hay không đặc biệt khó khăn…) chính là bước đi tiếp theo lấp đầy khoảng trống đó. Dự kiến, ngay trong năm học 2025 - 2026 này, hơn 456.000 học sinh sẽ được hỗ trợ với mức 400.000 - 450.000 đồng/tháng/người và 8kg gạo/tháng/người, trong thời gian không quá 9 tháng mỗi năm học. Tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 1.733 tỷ đồng/năm và 32,8 nghìn tấn gạo/năm.
Hỗ trợ bữa trưa cho học sinh biên giới không đơn thuần là một chính sách xã hội, mà là chính sách chiến lược, có giá trị nhiều tầng, nhiều lớp. Về mặt xã hội, nó thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, chăm lo tới những đối tượng yếu thế, ở vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Về mặt giáo dục, đây là cách Nhà nước “giữ chân” các em ở lại lớp học, tạo điều kiện để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng biên giới, nơi từ lâu vẫn bị xếp vào diện thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ hội tiếp cận tri thức còn hạn chế. Về mặt kinh tế, việc hỗ trợ các gia đình bớt đi một phần gánh nặng chi phí nuôi con ăn học cũng là cách gián tiếp tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, tăng năng suất lao động.
Quan trọng hơn cả, chính sách này có ý nghĩa an ninh, quốc phòng sâu sắc. Biên giới vững mạnh không chỉ bằng chốt gác, mà bằng những mái trường sáng đèn. Chính những học sinh hôm nay sẽ là lực lượng kế cận giữ gìn biên cương sau này. Và những đứa trẻ được ăn no, học đủ, lớn lên với hiểu biết và ước mơ sẽ là những công dân có trách nhiệm, là người gìn giữ biên cương bằng tri thức, lòng yêu nước chứ không chỉ bằng cơ bắp hay thói quen cư trú.
Sau quyết sách của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương sẽ bắt tay triển khai các bước đi cụ thể để ở mọi miền biên viễn của Tổ quốc, những đứa trẻ gùi cặp trên lưng, len lỏi qua những con đường núi đến trường có một bữa trưa ấm bụng. Đây không chỉ là một lời động viên thiết thực từ Đảng và Nhà nước, mà còn gửi gắm thông điệp: mọi trẻ em, dù ở miền ngược hay miền xuôi, đều xứng đáng có cơ hội phát triển công bằng như nhau.
Hơn thế nữa, trẻ em là tương lai của mỗi bản làng, mỗi địa phương. Đầu tư cho các em hôm nay là vun đắp cho sự phát triển bền vững của vùng biên ngày mai. Chính vì thế, ở tầm cao hơn, quyết sách này là hành động cụ thể để hiện thực hóa khát vọng phát triển toàn diện và bền vững đất nước.