Mô hình mới, thẩm quyền xử phạt hành chính cấp xã thay đổi ra sao?

Với những quy định mới về thẩm quyền và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, công tác xử lý vi phạm hành chính tại Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, minh bạch hơn.

Cùng với cả nước, Hà Tĩnh chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, đánh dấu một bước cải cách quan trọng, có tính chất lịch sử trong bộ máy hành chính. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là việc tinh gọn bộ máy mà còn kéo theo những điều chỉnh về thẩm quyền và trình tự, thủ tục trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là ở cấp xã.

 Cán bộ phụ trách công tác xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) nghiên cứu các văn bản liên quan.

Cán bộ phụ trách công tác xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) nghiên cứu các văn bản liên quan.

Bà Bùi Cẩm Thạch - Phó Trưởng phòng phụ trách công tác xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) cho biết: “Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, chủ tịch UBND cấp xã sẽ chính thức tiếp nhận và thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp huyện.

Song song đó, trưởng công an cấp xã cũng sẽ thực hiện thẩm quyền tương tự như trưởng công an cấp huyện. Đây là một bước đi chiến lược nhằm trao quyền và trách nhiệm lớn hơn cho chính quyền cơ sở, giúp giải quyết các vụ việc vi phạm hành chính một cách kịp thời và hiệu quả hơn".

Cũng theo bà Thạch, quy định chuyển tiếp này sẽ được áp dụng cho đến khi Chính phủ có văn bản quy định thay thế hoặc nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, đảm bảo không có khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển đổi. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ này không chỉ giảm tải cho cấp trên mà trao cho chính quyền địa phương cấp xã những thẩm quyền phù hợp với chức năng quản lý hiện nay.

 Việc mở rộng thẩm quyền đòi hỏi cán bộ cấp xã phải nắm vững hơn các quy định pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng công việc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Việc mở rộng thẩm quyền đòi hỏi cán bộ cấp xã phải nắm vững hơn các quy định pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng công việc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Thực tế cho thấy, việc thay đổi thẩm quyền xử phạt hành chính đã tạo áp lực không nhỏ lên cán bộ cấp xã. Ông Võ Tá Nhân - Chủ tịch UBND xã Thiên Cầm chia sẻ: "Với mô hình 2 cấp, không còn bộ máy cấp huyện như trước, mọi công việc, đặc biệt là các nhiệm vụ về xử phạt vi phạm hành chính sẽ được dồn trực tiếp xuống cấp xã. Mặc dù Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên điều này đòi hỏi cán bộ phải có năng lực, trình độ chuyên môn và phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng khối lượng công việc tăng lên, đồng thời đảm bảo chất lượng và tính chính xác trong từng quyết định".

Tuy nhiên, theo ông Nhân, đây cũng chính là một cơ hội để đội ngũ cán bộ cấp xã phát triển toàn diện. "Nhiều công chức vốn quen với nghiệp vụ đơn giản ở xã trước đây, nay phải tiếp nhận cả những thủ tục phức tạp vốn thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đây chính là cơ hội để cán bộ cấp xã phát triển toàn diện hơn về chuyên môn trong bối cảnh mới” - ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND (thuộc huyện Vũ Quang cũ) cho biết: "Việc phân cấp thẩm quyền xử phạt hành chính về cấp xã không chỉ là thay đổi về mặt pháp lý mà còn là cuộc cách mạng trong tư duy quản lý. Trước đây, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu rộng thường do cấp huyện giải quyết. Nay, địa phương trực tiếp xử lý, từ các vi phạm về đất đai, xây dựng cho đến an toàn thực phẩm hay trật tự công cộng… Điều này đòi hỏi cán bộ xã phải nhanh chóng trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao".

 Công an xã Đồng Tiến nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật.

Công an xã Đồng Tiến nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật.

Sự thay đổi về thẩm quyền không chỉ đặt ra yêu cầu mới cho lãnh đạo địa phương mà còn tác động trực tiếp đến lực lượng thực thi pháp luật ở cơ sở. "Trước đây, nhiều vụ việc vi phạm về ANTT, TTATGT thuộc thẩm quyền của trưởng công an huyện ra quyết định, chúng tôi lập hồ sơ ban đầu và chuyển lên để xử lý theo đúng thẩm quyền. Còn với thẩm quyền mới, chúng tôi trực tiếp ra quyết định xử phạt. Do đó, bên cạnh việc phải nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật thì còn phải thành thạo các quy trình xử lý" - Đại úy Phạm Duy Triết, Trưởng Công an (TP Hà Tĩnh cũ) cho hay.

Theo Sở Tư Pháp, việc mở rộng thẩm quyền đòi hỏi cán bộ cấp xã phải nắm vững hơn các quy định pháp luật, thành thạo các quy trình, thủ tục, từ đó nâng cao chất lượng công việc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Để triển khai hiệu quả, chính xác nội dung này, UBND các xã, phường mới sáp nhập cần chủ động tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này tại địa phương, đặc biệt là công an xã, công chức tham mưu lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, địa chính, xây dựng. Bởi, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác và kịp thời.

 Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, công tác xử lý vi phạm hành chính tại Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ ngày càng minh bạch hơn.

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, công tác xử lý vi phạm hành chính tại Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ ngày càng minh bạch hơn.

Nhằm hỗ trợ các địa phương sớm làm quen với mô hình quản lý mới, đặc biệt trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng thông tin: "Sở đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, công bố đường dây nóng để giải đáp vướng mắc và hỗ trợ trực tiếp địa phương trong quá trình triển khai. Trong đó chú trọng việc cung cấp các tài liệu pháp lý, biểu mẫu và hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể để cán bộ cấp xã có thể nhanh chóng làm chủ công việc mới. Mục tiêu là đảm bảo không có bất kỳ “khoảng trống” hay lúng túng nào trong công tác quản lý nhà nước và xử phạt hành chính ở cơ sở”.

Với những quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, công tác xử lý vi phạm hành chính tại Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, minh bạch và sát dân hơn, góp phần củng cố trật tự xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Văn Chung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phan-cap-moi-tham-quyen-xu-phat-hanh-chinh-cap-xa-thay-doi-ra-sao-post291279.html