Bức thư viết tay đặc biệt vượt hơn 2.000km gửi thầy cô nơi đảo xa

Vượt hơn 2.000km, qua hai lần phà, đò là hành trình của bức thư viết tay được gửi từ miền biên viễn đến xã đảo. Người viết bức thư ấy là cô giáo có hơn chục năm 'gieo chữ' cho học sinh dân tộc thiểu số.

Trong lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 (tối 15/11) đã giới thiệu bức thư biên giới gửi đảo xa. Bức thư được viết bằng tay, đã vượt hơn 2.000km, rồi qua 2 lần phà, đò để xã đảo duy nhất ở TP Hồ Chí Minh – xã Thạnh An (huyện Cần Giờ).

Người viết bức thư đặc biệt ấy là cô giáo Quàng Thị Xuân (SN 1990, dân tộc Thái) - Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La). Người nhận bức thư đặc biệt ấy là cô Quãng Thị Thu Cúc – giáo viên trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh).

 Cô Quang Thị Xuân giao lưu tại chương trình tuyên dương tối 15/11. Ảnh: Xuân Tùng

Cô Quang Thị Xuân giao lưu tại chương trình tuyên dương tối 15/11. Ảnh: Xuân Tùng

Chia sẻ về lý do viết bức thư đặc biệt này, cô Quàng Thị Xuân cho biết với mong muốn hiểu rõ hơn việc dạy và học ở nơi đảo xa; hành trình vượt qua những khó khăn để gieo tri thức cho học sinh.

Cô Quãng Thị Thu Cúc cho biết, rất xúc động khi nhận được bức thư của đồng nghiệp từ vùng miền núi, biên giới. Qua thư, cô Cúc cảm thấy quãng cách biên giới - hải đảo "xích lại gần hơn".

"Qua thư, tôi hiểu rõ hơn công việc, những khó khăn của đồng nghiệp đang công tác ở miền núi như chị Quàng Thị Xuân đã trải qua. Qua đó, khó khăn của những giáo viên ở xã đảo chúng tôi cũng vơi đi", cô Cúc nói.

Theo cô Cúc, những khó khăn trong hành trình dạy học của cô nơi xã đảo Thạnh An nhỏ hơn rất nhiều với những khó khăn của những người đồng nghiệp đang ngày đêm dạy chữ nơi hải đảo tiền tiêu, vùng biên cương của Tổ quốc.

 Cô Quãng Thị Thu Cúc - người nhận được bức thư từ biên giới. Ảnh: Xuân Tùng

Cô Quãng Thị Thu Cúc - người nhận được bức thư từ biên giới. Ảnh: Xuân Tùng

Bức thư viết tay gửi thầy cô nơi đảo xa của cô Quàng Thị Xuân.

Bức thư viết tay gửi thầy cô nơi đảo xa của cô Quàng Thị Xuân.

Gieo chữ nơi biên cương

Trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024, những ngày đầu tháng 11/2024, chúng tôi đã có dịp đến với huyện biên giới Sốp Cộp, thăm ngôi trường cô Xuân đang công tác.

Trường PTDTBT tiểu học Mường Lạn nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Khoảng cách giữa các điểm trường so với trung tâm xã từ 5 – 14km, đường xá gập ghềnh.

Cô Quàng Thị Xuân đã có 12 năm công tác tại trường tiểu học Mường Lạn. Cô Xuân cho biết, từ nhỏ đã yêu thích làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ, và được nối nghiệp sư phạm trong gia đình. Tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Sơn La, năm 2012, cô giáo trẻ người Thái được phân công giảng dạy ở ngôi trường quê hương.

 Cô Quàng Thị Xuân đã có hơn chục năm "gieo chữ" cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: P.Linh

Cô Quàng Thị Xuân đã có hơn chục năm "gieo chữ" cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: P.Linh

Theo cô Xuân, trong quá trình công tác gặp không ít khó khăn, thách thức về bất đồng ngôn ngữ, nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa phân biệt được tiếng phổ thông. Mỗi dịp năm học mới, cô và nhiều đồng nghiệp phải đi vận động phụ huynh, học sinh để các em đi học đầy đủ, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế, phòng học xuống cấp. Là trường bán trú, học sinh ở lại trường nên cần sự hỗ trợ, hướng dẫn từ thầy giáo, cô giáo. “Địa bàn rộng, số học sinh và giáo viên đông, dù rất vất vả nhưng tôi luôn nỗ lực hết mình cho sự nghiệp trồng người mà mình đã lựa chọn”, cô Xuân nói.

Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn có số học sinh đông nhất toàn huyện với 54 lớp học, có 1.489 học sinh. Học sinh phần lớn là người người dân tộc Mông. Trường có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ; có 76 giáo viên và nhân viên. Bản thân tôi là Phó hiệu trưởng có thời gian công tác làm quản lý mới được 1 năm, kinh nghiệm về quản lý còn non, nên cũng có những khó khăn nhất định", cô giáo Quàng Thị Xuân.

Đến nay, cô Xuân đã không ngừng sáng tạo trong công việc, sử dụng nhiều sáng kiến, mô hình hay vào quá trình giảng dạy.

Trong đó, có giải pháp nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập thông qua việc tổ chức hoạt động khởi động, kết nối trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 cho học sinh lớp 5; giải pháp luyện đọc đúng phân môn tập đọc cho học sinh lớp 5 trong toàn huyện Sốp Cộp.

 Cô Quàng Thị Xuân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp dạy học môn tiếng Việt được áp dụng. Ảnh: P.Linh

Cô Quàng Thị Xuân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp dạy học môn tiếng Việt được áp dụng. Ảnh: P.Linh

Trong quá trình công tác được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Hội đồng thi đua cấp tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen; 4 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2020-2021.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/buc-thu-viet-tay-dac-biet-vuot-hon-2000km-gui-thay-co-noi-dao-xa-post1691893.tpo