'Bức tranh' đẹp nhất
HNN.VN - Khi tôi về đầu quân cho Báo Thừa Thiên Huế (Báo Huế ngày nay) thì bác Lê Niệm đã hưu trí trước đó từ lâu. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Giải Phóng, đến tháng 5/1976, thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, ông về làm Phó Tổng Biên tập Báo Dân, sau này là Báo Bình Trị Thiên.
Lớp hậu sinh chúng tôi biết đến ông là do thỉnh thoảng ông đến cơ quan cũ để dự gặp mặt mỗi dịp Tết hoặc 21/6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Sau này tuổi cao, ông đi đứng không tiện, vậy là theo sự phân công, mỗi dịp Tết, tôi thay mặt cơ quan đến thăm ông, tặng tờ báo tết, và chút quà tri ân nho nhỏ. Ông rất vui, nhất là nhận tờ báo tết trên tay. Ông bảo hễ nhận báo là ông đọc, và hầu như chưa bỏ sót một bài nào. Đọc vì thích, và vì vui nữa.
Theo quy luật cuộc đời, tuổi cao, sức yếu, ông nói lời giã biệt với cháu con, bè bạn, thọ gần trăm tuổi.
Năm nay, kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi lại thay mặt cơ quan tìm về tư gia dâng lên cụ nén hương lòng tưởng niệm, tri ân. Ngôi nhà bây giờ do một người con trai của cụ thừa kế, thờ phụng. Cảnh trí trong phòng khách vẫn như ngày cụ còn sống, chỉ khác là một “bức tranh” được lồng khung cỡ lớn được treo trang trọng và dễ đập vào mắt mọi người. “Bức tranh” chụp 1 trang thủ bút của cụ Lê Niệm, góc trái bên dưới là bức chân dung cụ đang cặm cụi bên trang viết. Bức thủ bút của cụ không phải là áng văn hay bài báo gì ghê gớm, cụ chỉ ghi lại mấy lời “Nói với con cháu…”. Nét chữ người già run run, nhưng rõ ràng, mạch lạc. Cụ viết:
“Nói với con cháu…
Hôm nay, đông đủ các con về mừng sinh nhật Ba tròn 96 tuổi. Ba (ông, cố) muốn nói với con, cháu, chắt… mấy điều về truyền thống của gia đình. Mong các con, cháu, chắt… tiếp tục thực hiện.
1 - Ông bà, cha mẹ lấy chữ mẫu mực làm gương.
2 - Vợ chồng lấy chung thủy làm đạo nghĩa.
3 - Con cháu lấy chữ hiếu thảo làm đầu.
4 - Anh chị em lấy tình thương làm trọng.
...”

Thủ bút của cụ Lê Niệm.
Chỉ mấy dòng nhẹ nhàng, nhưng đó là cả sự trải nghiệm, sự nghiền ngẫm, sự đúc kết của một người đàn ông tuổi gần tròn thế kỷ. Mà ngẫm, đúng như cụ mong mỏi, trong một gia đình, ai cũng tùy theo “vai” của mình mà sống cho tròn với mỗi “chữ” như thế, gia đình ấy chắc chắn sẽ bền vững, sẽ hạnh phúc, sẽ không có đổ vỡ. Và gia đình nào cũng như thế thì xã hội lo gì chẳng an vui?
Người con trai của cụ bảo, thủ bút và chân dung của cụ được in ra, đóng khung và con cháu trong nhà ai cũng treo một bức như thế… Không nói ra nhưng tôi hiểu, với họ, có lẽ đó là “bức tranh” đẹp nhất.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/buc-tranh-dep-nhat-155312.html