'Bức tranh' kinh tế 6 tháng đầu năm: Duy trì tăng trưởng, tạo đà cán đích, bài 1 - Thêm động lực, tạo tiền đề phát triển

Bước qua nửa năm 2024, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, 'bức tranh' kinh tế Thái Nguyên đã có những gam màu tươi mới.

6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 424 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samju Vina Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh: T.L

6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 424 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samju Vina Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh: T.L

6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp. Do vậy, kinh tế Thái Nguyên đạt được những kết quả đáng ghi nhận, điều này tạo thêm động lực, khí thế mới để tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu còn lại của năm.

Những điểm sáng

Trong 6 tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 6,03% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 5,17% của 6 tháng đầu năm 2023), đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế của Thái Nguyên có xu hướng phục hồi tích cực trong quý II khi tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,15% của quý I.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, con số 6,03% chưa phải tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên, Thái Nguyên là tỉnh có quy mô kinh tế lớn, mức tăng trưởng này đảm bảo được yêu cầu và là minh chứng rõ nét cho đà phục hồi kinh tế của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Thị trường may khởi sắc giúp phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của tỉnh xác lập được các đơn hàng may đến hết quý III, thậm chí cả năm. Giá trị đơn hàng cũng tăng từ 5-10% so với trước đây...

Trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay, không thể không “điểm danh” một số điểm sáng, đó là: Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đạt trên 424 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với cùng kỳ. Công nghiệp khởi sắc thể hiện rõ nhất qua Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tăng 6,97%; chỉ số tiêu thụ duy trì cao hơn chỉ số sản xuất. Đóng góp chủ yếu vào giá trị SXCN của tỉnh là công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 393,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%. Giá trị SXCN địa phương cũng tăng trưởng 6,62% (tương đương 19,6 nghìn tỷ đồng).

Cùng với công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.406 tỷ đồng, tăng 3,75% so với cùng kỳ và bằng 51,1% kế hoạch cả năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%; lâm nghiệp tăng 4,9% và thủy sản là 6,5%. Ngoài ra, thương mại, dịch vụ cũng đạt tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%; doanh thu ngành vận tải tăng 12%.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa dần lấy lại đà tăng trưởng tích cực sau một thời gian tăng trưởng âm trong năm 2023. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% và bằng 52,5% kế hoạch. Với kết quả này, Thái Nguyên là 1 trong 6 tỉnh, thành của cả nước có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh ước đạt 120 nghìn tấn, đạt 53,9% kế hoạch năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Định (ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: V.C

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh ước đạt 120 nghìn tấn, đạt 53,9% kế hoạch năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Định (ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: V.C

Nỗ lực từ những tháng đầu

Năm 2024, mặc dù được dự báo là rất khó khăn nhưng Thái Nguyên quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) từ tháng đầu, quý đầu. Sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã thể hiện ngay tại Phiên họp toàn thể của UBND tỉnh để triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tổ chức đầu tháng 1. Tại phiên họp này, các đại biểu đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện kết quả đạt được năm 2023 để đưa ra giải pháp phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2024, mà trước mắt là nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.

Giải pháp chung được đưa ra là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, giao thông, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao để thu hút đầu tư FDI. Toàn tỉnh hiện có 6 KCN, trong đó 5 KCN đã đi vào hoạt động ổn định. Đây là lợi thế, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo cơ chế thuận lợi về vốn, đẩy mạnh thu hút đầu tư; mặt bằng và thường xuyên tiếp xúc đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II). Ảnh: H.C

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II). Ảnh: H.C

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Sở thường xuyên rà soát, đánh giá, rút ngắn thời gian giải quyết nhiều TTHC theo thẩm quyền. Đồng thời duy trì thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; cung cấp 106 dịch vụ công trực tuyến, có kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng chữ ký số, số hóa tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục; xây dựng sàn thương mại điện tử phục vụ kết nối cung - cầu sản phẩm đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...

Trong nông nghiệp, ngay từ đầu năm, ngành chức năng và các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để phục vụ trồng trọt, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Chúng tôi đã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn địa phương và bà con nông dân sản xuất vụ xuân. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh để đưa ra những cảnh báo sớm, đôn đốc các địa phương chủ động phòng trừ để đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thông tin: Đơn vị tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn; thực hiện phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi chuyển đổi theo hướng an toàn sinh học; tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 95 nghìn con trâu, bò; 600.000 con lợn và đàn gia cầm vào khoảng 16 triệu con...

Có thể khẳng định, 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là cơ sở để Thái Nguyên tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả năm 2024.

(Còn nữa)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/buc-tranh-kinh-te-6-thang-dau-nam-duy-tri-tang-truong-tao-da-can-dichbai-1-them-dong-luc-tao-tien-de-phat-trien-aed0fbc/