Bức tranh ô tô nhập khẩu tại thị trường Việt Nam
Sự gia tăng lớn về nhập khẩu ô tô thành phẩm, hay còn gọi là ô tô nguyên chiếc (CBU) vào Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy tiềm năng của thị trường trong nước có thể vượt những thách thức.
Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tồn kho cao cùng với sức mua giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đã tạo nên một số thách thức cho thị trường xe hơi Việt Nam trong năm nay.
Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan lại cho thấy một điều hoàn toàn khác. Tỷ trọng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN, chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia đang tăng dần hàng năm kể từ năm 2014. Thực tế, năm 2020, Việt Nam đã vượt Philippines trở thành thị trường ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN.
Điều đó cho thấy đối với các đơn vị nhập khẩu, nhu cầu trên thị trường ô tô là động lực thúc đẩy nhằm vượt qua các trở ngại. Điều này đang thể hiện qua thực trạng của thị trường xe hơi trong nước kể từ đầu năm nay.
Những dữ liệu tích cực về thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam
Theo tổ chức Vietnam Briefing (thuộc hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates), mặc dù số lượng ô tô nhập khẩu còn ít hơn ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng đã liên tục tăng trong 5 năm qua. Đáng chú ý, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong hai năm 2021 và 2022 với con số lần lượt là 160.000 và 173.467 chiếc. Đáng chú ý, Việt Nam là nước nhập khẩu ô tô lớn thứ 40 thế giới vào năm 2021.
Trong hai tháng đầu năm 2023, cả nước nhập khẩu 44.457 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng trị giá 612,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 325% về lượng và tăng 180,6% về trị giá.
Đáng chú ý, sản lượng ô tô thường tăng đột biến vào các tháng đầu và cuối năm, trùng với các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán. Vào đầu năm 2023, mặc dù số lượng xe có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhìn chung, vẫn có sự tăng trưởng đáng kể với tỷ lệ trung bình hàng tháng đạt 11,9%.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu 3 loại xe chính là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải và ô tô chuyên dụng. Phần lớn ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là xe du lịch giá phải chăng, chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này chiếm tới 75% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, Thái Lan là quốc gia nhập khẩu ô tô chủ yếu vào Việt Nam. Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan trong năm 2022 là 72.032 chiếc. Trong tháng 2/2023, Việt Nam đã nhập 6.066 xe từ Thái Lan, trong đó có 5.385 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và 646 xe tải. Các mẫu xe nhập khẩu có xuất xứ Thái Lan nổi bật đang bán tại Việt Nam gồm có Toyota Corolla Cross, Toyota Camry, Toyota Corolla Altis, Honda HR-V, Ford Everest, Subaru Forester, Isuzu Mu-X.
Cùng với đó, Indonesia đang nổi lên trở thành một trong những nước xuất khẩu xe hơi lớn nhất vào Việt Nam. Mặc dù số lượng ô tô nhập khẩu không chênh lệch với Thái Lan nhưng giá trị kim ngạch vẫn còn thấp. Giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc xe của Indonesia chỉ đạt 14.000 USD trong khi của Thái Lan là 20.000 USD. Việt Nam đã nhập 72.671 ô tô từ Indonesia trong năm 2022. Trong tháng 2/2023, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất xứ Indonesia giảm 38,9% so với tháng trước.
Trong khi đó, Trung Quốc tập trung vào loại xe chuyên dụng khi xuất khẩu ô tô về Việt Nam. Vào tháng 2/2023, có 566 xe ô tô chuyên dụng xuất xứ từ Trung Quốc, tăng 125% so với tháng trước. Con số này chiếm tới 87% tổng lượng ô tô chuyên dụng nhập khẩu vào Việt Nam.
Động lực thúc đẩy nhu cầu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam
Trong 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 5% theo giá trị thực, cao hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu. Nếu tăng trưởng GDP vẫn ổn định, dự báo sẽ có thêm 36 triệu người tham gia tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng ô tô tầm trung từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang có xu hướng tăng cao trong các gia đình Việt. Lượng xe dưới 9 chỗ hiện tăng với tốc độ 20-30%/năm và có thể chiếm 70% thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2025.
Ngoài ra, dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng giá xe lắp ráp tại Việt Nam vẫn cao. Điều này là do thuế nhập khẩu cao đối với các linh kiện trong hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á hiện được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) mới đây đã có tờ trình đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô mới đối với ô tô nhập khẩu. Dù không giảm giá bán nhưng sẽ giúp giảm chi phí lưu hành xe, từ đó kích cầu tiêu dùng.