Bức tranh xám màu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ

Trong một báo cáo mới được công bố, Ủy ban Chiến lược Quốc phòng do Quốc hội Mỹ thành lập, đánh giá sản xuất công nghiệp quốc phòng nội địa 'hoàn toàn không đủ' để cung cấp trang thiết bị, công nghệ và đạn dược cần thiết như hiện nay, chứ chưa nói đến đáp ứng các yêu cầu trong trường hợp xảy ra xung đột cường quốc.

Theo báo cáo, năng lực sản xuất quốc phòng đồng nghĩa với khả năng răn đe. Thế nhưng, hiện nay, Mỹ đang duy trì một ngành công nghiệp quốc phòng nội địa với "quá ít nhân lực, quá ít doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính giảm sút và thiếu ổn định, năng lực sản xuất không đủ" để đáp ứng yêu cầu của quân đội cả trong thời bình và thời chiến.

 Nhân viên làm việc tại Pratt & Whitney, một công ty con của Tập đoàn quốc phòng Raytheon Technologies (Mỹ). Ảnh: waff.com

Nhân viên làm việc tại Pratt & Whitney, một công ty con của Tập đoàn quốc phòng Raytheon Technologies (Mỹ). Ảnh: waff.com

Báo cáo nhấn mạnh, nếu Mỹ không khôi phục "năng lực sản xuất quốc phòng một thời", điều đó sẽ làm xói mòn nghiêm trọng khả năng răn đe của Washington, làm suy yếu khả năng hỗ trợ của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột, khiến quân đội nước này rơi vào tình trạng "thiếu chuẩn bị, thiếu trang bị để chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột". "Điều không may là ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ không vững mạnh như cần thiết", báo cáo khẳng định.

Trong tổng thể bức tranh đậm gam màu xám của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, báo cáo cho biết các vấn đề của ngành công nghiệp đóng tàu chiến là "đặc biệt nghiêm trọng". Báo cáo nêu rõ, năng lực xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa tàu chiến của hải quân Mỹ "về cơ bản là gây hoài nghi".

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, báo cáo cho rằng phải kể đến hàng loạt các yếu tố như chi tiêu "thiếu ổn định và khó lường" của Chính phủ Mỹ dành cho quốc phòng, sự phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất là Lầu Năm Góc, các rào cản về chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp mới, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, khó khăn về chuỗi cung ứng… "Ủy ban Chiến lược Quốc phòng tin rằng xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng là vấn đề cấp bách và cần có nguồn lực lớn hơn", báo cáo nhấn mạnh.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 được sản xuất tại một nhà máy của Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: Defense News

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 được sản xuất tại một nhà máy của Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: Defense News

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và được xem là một động lực của nền kinh tế số 1 thế giới, khiến dư luận Mỹ phải quan ngại.

Hồi đầu năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nhận định, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ “chưa sẵn sàng” nếu như xảy ra xung đột trực diện giữa nước này với một cường quốc. CSIS ước tính với tốc độ sản xuất thời bình của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa thì Mỹ sẽ mất tới 15 năm và con số này sẽ là hơn 8 năm với tốc độ sản xuất thời chiến để bổ sung các hệ thống vũ khí quan trọng như tên lửa dẫn đường, máy bay có người lái và máy bay không người lái có vũ trang trong trường hợp chúng bị phá hủy trong giao tranh hay được viện trợ cho các quốc gia đồng minh.

Air & Space Forces Magazine dẫn báo cáo thường niên năm 2023 của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ (NDIA) cho rằng có “sự bất cân xứng” giữa những mục tiêu mà các chiến lược quốc gia của Mỹ đề ra với năng lực thực tế của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Báo cáo đánh giá ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ “đang đi sai hướng”. So với con số 3 triệu người vào năm 1985, lực lượng lao động của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện giảm xuống còn 1,1 triệu người. Hơn 17.000 công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã dừng hoạt động trong vòng 5 năm qua và theo ước tính của Lầu Năm Góc, trong một thập niên qua, số lượng các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong ngành này đã giảm hơn 40%. Trong báo cáo thường niên năm 2024, NDIA nêu rõ, trong hơn 3 thập niên qua, Mỹ đã "đánh mất sự hiểu biết" về mối liên hệ trực tiếp giữa ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh với năng lực răn đe hiệu quả. "Mỹ nhìn chung chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng để duy trì một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh", Viện Brookings có trụ sở tại Washington bình luận trong một bài viết đăng tải hồi tháng 6-2024.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/buc-tranh-xam-mau-cua-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-my-787941