1. Lăng mộ của “ ông tổ nghề báo Việt Nam” Trương Vĩnh Ký tọa lạc ở số 520 Trần Hưng Đạo, quận 5 TP HCM. Cổng vào khu lăng mộ xây kiểu tam quan truyền thống của người Việt.
Lăng mộ được xây vào năm 1889 theo phong cách kiến trúc Pháp kết hợp với một số họa tiết phương Đông, có diện tích khoảng 50 m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 2.000 m2.
Công trình mang dáng vẻ trang nhã với nhiều cửa, cột, vòm cong, các chi tiết trang trí nhẹ nhàng và tinh tế.
Bên trong lăng mộ có ba mộ phần, gồm ba bia đá khác màu có chiều rộng khoảng 1 mét, dài gần 2 mét, được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Mộ cụ Trương Vĩnh Ký năm ở giữa, hai bên là mộ người vợ Vương Thị Thọ và mộ con trai cả Trương Vĩnh Thế.
Bia mộ cụ Trương khắc tên J. B. Petrus Trương Vĩnh Ký (chữ Pháp đầu dòng là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre) cùng năm mất và vài dòng thân thế. Trang trí mộ bia khá giản dị với hình cành lá bao quanh.
Lăng mộ có ba cổng, phía trên đều khắc các câu trích dẫn Kinh Thánh bằng chữ La tinh, dịch ra tiếng Việt lần lượt là: "Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó"; "Ai sống mà tin ta kẻ đó không bao giờ chết, ngươi có tin chăng?"; "Hãy thương xót tôi, ít nhất là những bằng hữu của tôi".
2. Trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM có một bức tượng đồng tuổi đời một thế kỷ, thể hiện hình ảnh một người đàn ông Việt Nam với vóc dáng nhỏ nhắn, mặc áo dài khăn xếp, tay cầm cuốn sách. Đó chính là tượng cụ Trương Vĩnh Ký.
Hoàn cảnh ra đời của bức tượng này là10 năm sau khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký tạ thế, trang đầu báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 4/6/1908 đã kêu gọi dựng tượng cụ Trương ở trung tâm Sài Gòn.
Những người chủ biên tờ báo này vốn là những người yêu nước chống Pháp thuộc phong trào Minh Tân. Cho rằng "Trương Vĩnh Ký xứng đáng là ông thầy đạo lý của cả Nam kỳ", họ chủ trương "lập tượng ông là để tưởng niệm biết ơn ông và nêu gương ông”.
Giấy phép dựng tượng Trương Vĩnh Ký ở một nơi công cộng tại Sài Gòn đã được chính quyền Nam Kỳ thời bấy giờ chấp thuận trong năm 1908. Hoạt động quyên góp tiền dựng tượng đã được các tờ báo của người Việt ở Sài Gòn thúc đẩy mạnh mé.
Đến ngày 18/12/1927, bức tượng toàn thân của cụ Trương Vĩnh Ký hoàn tất và được dựng quay mặt ra đường Norodom, trong công viên đầy cây xanh trước dinh quan toàn quyền Sài Gòn (nay là công viên 30 Tháng 4, đối diện di tích lịch sử Dinh Độc Lập).
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Xứ ủy Nam bộ đã ra lệnh hạ tất cả tượng đài thời thuộc địa, tượng cụ Trương Vĩnh Ký là bức tượng duy nhất được để lại. Vài thập niên sau đó, tượng được đưa về lưu giữ tại dinh thự cũ của gia đình Chú Hỏa, tức Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM ngày nay.
Mời quý độc giả xem video: Hoài niệm Sài Gòn xưa | VTV24.
Quốc Lê