Bùi Bằng Đoàn - một tấm lòng vì nước, vì dân
Đề cương tuyên truyền 130 năm Ngày sinh Cụ Bùi Bằng Đoàn của Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Từ Thượng thư bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng một cách tự nguyện và một lòng đi theo chính quyền cách mạng. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo”.
Đó là sự đánh giá công bình và đầy trân trọng dành cho một nhân sĩ trí thức, một vị thượng thư nổi tiếng của triều Nguyễn đã đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, cùng hòa chung nhịp đập và suy nghĩ trong niềm vui và nỗi đau của dân tộc.
* Bùi Bằng Đoàn - một vị quan thanh liêm, chính trực
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19-9-1889 trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP.Hà Nội). Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ và sống với người thân, thế nhưng năm Bính Ngọ (1906) triều Thành Thái, Cụ Bùi đỗ cử nhân trường thi hương Hà Nam. Kể từ đây, con đường hoạn lộ mở ra đầy thênh thang với Cụ.
Bùi Bằng Đoàn trải qua nhiều chức vụ từ tri phủ, án sát, tuần phủ nhiều tỉnh. Năm 1933, Cụ được triều đình triệu hồi về triều giữ chức vụ Thượng thư bộ Hình; sung Cơ mật viện Đại thần, hàm Chánh nhị phẩm và được thăng Hiệp tá Đại học sĩ hàm Tùng nhất phẩm. Sau đó ít lâu được phong hàm Chánh phẩm. Năm 1944, Bùi Bằng Đoàn được Vua Bảo Đại ban tặng hàm Thái tử Thiếu bảo và tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế.
Con đường làm quan Nam triều của Cụ Bùi coi như đã lên hàng cực phẩm. Nhật đảo chính Pháp, Cụ Bùi từ chối tham gia chính phủ Trần Trọng Kim và trở về hoạt động bên ngành Tư pháp.
* Từ Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn đến Trưởng ban thường trực Quốc hội
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 17-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Theo Sắc lệnh số 80/SL số 31-12-1945, Cụ được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 31-12-1945, Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết được thành lập, gồm 40 nhân sĩ, trí thức, các bộ trưởng và thứ trưởng, trong đó Cụ Bùi Bằng Đoàn là thành viên. Trong cuộc Tổng Tuyển cử ngày 6-1-1946, Cụ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Hà Đông (cũ), rồi được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (28-10-1946 - 9-11-1946) Cụ được bầu làm Trưởng ban thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội).
Trên cương vị Trưởng ban thường trực Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tham gia bàn bạc góp ý kiến các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ và tham gia giám sát các công việc của Chính phủ thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Với tinh thần trách nhiệm cao, Cụ đã tham gia đóng góp cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Cụ đã thay mặt Quốc hội tham dự các sự kiện trọng đại của đất nước.
Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, Cụ Bùi Bằng Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6-3-1946 tại Đà Lạt.
* Bùi Bằng Đoàn - Hồ Chí Minh: Một tình bạn tri âm, tri kỷ
Trong bức thư đề ngày 17-11-1945 mời Cụ Bùi Bằng Đoàn ra làm việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư! Hồ Chí Minh”.
Trước tấm chân tình này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Bùi đã vui vẻ nhận lời để rồi từ đó hai người trở thành bạn tri âm, tri kỷ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bùi Bằng Đoàn cùng Hồ Chí Minh “gươm đàn một gánh, non sông một chèo” rời Hà Nội lên chiến khu. Một cụ già người dân tộc tặng Cụ Hồ chiếc gậy bằng xương trăn “độc nhất vô nhị”, Hồ Chủ tịch đã đem chiếc gậy này tặng lại cho Cụ Bùi để Cụ Bùi chống.
Năm 1948, khi cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn gay go quyết liệt, trên chiến khu, nhớ người bạn già đang dưỡng bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng Cụ một bài thơ bốn câu: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/Tiệp báo tần lai lao dịch mã/Tư công tức cảnh tặng tân thi. (Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học 1975: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/Phê văn hoa núi ghé nghiêng soi/Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài).
Cụ Bùi cũng phúc đáp Cụ Hồ bằng một bài thơ: “Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/Giang sơn vạn lý thủ thành trì/Tri công quốc sự vô dư hạ/Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi (Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học 1975: Sắt đá một lòng vì chủng tộc/Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/Biết Người việc nước không hề rảnh/Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).
Sáng 16-9, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19-9-1889 - 19-9-2019). Tại buổi lễ kỷ niệm này, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá: “Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của Cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước”.