Bulgaria bất ngờ từ chối bán lò phản ứng hạt nhân cho Ukraine

Chính phủ Bulgaria đã quyết định không bán hai lò phản ứng hạt nhân áp suất nước VVER – loại do Liên Xô thiết kế từ Nhà máy điện hạt nhân Belene cho Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Liên bang Nga chiếm giữ vào ngày 11/8/2024. Ảnh chụp màn hình: Tổng thống Volodymyr Zelensky/Telegram

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Liên bang Nga chiếm giữ vào ngày 11/8/2024. Ảnh chụp màn hình: Tổng thống Volodymyr Zelensky/Telegram

Báo điện tử The Kyiv Post Ukraine tối 15/3, theo giờ địa phương cho biết, trước đây, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã phê duyệt việc mua thiết bị hạt nhân để sử dụng tại Nhà máy điện hạt nhân Khmelnitsky, và quyết định này đã được Tổng thống Volodymyr Zelensky ký ban hành.

Các thiết bị bao gồm hai lò phản ứng hạt nhân áp suất nước VVER – loại do Liên Xô thiết kế và Liên bang Nga chế tạo, đến từ Nhà máy điện hạt nhân Belene của Bulgaria và chúng dự kiến sẽ được sử dụng cho các tổ máy số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Khmelnitsky của Ukraine.

Trước đó, báo The Kyiv Post đưa tin rằng Ukraine dự định xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân theo tiêu chuẩn phương Tây và hai lò theo tiêu chuẩn Liên Xô tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnitsky nhằm bù đắp sự thiếu hụt điện năng do các cuộc tấn công của Liên bang Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ các chuyên gia năng lượng Ukraine và tới nay, theo một báo cáo từ Forbes Bulgaria, khi Ukraine đã hoàn tất thủ tục pháp lý thì phía Bulgaria đã chặn lại việc chuyển giao.

Forbes Bulgaria cho biết Phó Thủ tướng Bulgaria, ông Atanas Zafirov, đồng thời là Chủ tịch Đảng Xã hội Bulgaria (BSP), đã công bố quyết định liên quan và điều đáng chú ý là quyết định này “được tất cả các đối tác trong chính phủ ủng hộ”.

Theo Forbes Bulgaria, lý do được Phó Thủ tướng Bulgaria đưa ra là đất nước ông cần phát triển năng lượng hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh giá điện đang tăng cao trên toàn cầu.

Vào năm 2023, Bulgaria và Ukraine bắt đầu đàm phán về việc bán lại hai lò phản ứng hạt nhân của Liên bang Nga, vốn ban đầu được dự kiến dùng cho nhà máy điện hạt nhân Belene (chưa hoàn thiện).

Theo Forbes Bulgaria, giá trị thỏa thuận với Ukraine được ước tính khoảng 600 triệu euro (tương đương 676 triệu USD).

Trước đó, theo hãng tin Interfax-Ukraine, hai bên đã không thể đạt được thỏa thuận về giá cả do phía Bulgaria muốn tăng giá bán.

“Phía Bulgaria vẫn chưa ký thỏa thuận, và một trong những lý do được cho là họ muốn xem xét lại mức giá. Chúng tôi được thông báo rằng phía Bulgaria muốn gần 700 triệu USD, trong khi phía chúng tôi vẫn kiên định với mức 600 triệu USD đã thỏa thuận”, hãng tin Interfax-Ukraine dẫn lời nghị sĩ Ukraine Andriy Zhupanyn cho biết.

Doanh nghiệp nhà nước phụ trách đàm phán dự án của Ukraine – Energoatom – cũng đã đề nghị chính phủ Bulgaria hoãn thanh toán.

Công nghệ được sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân của Bulgaria – WWER hay VVER (lò phản ứng nước-nước) – cũng là công nghệ do tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom phát triển.

Báo The Kyiv Post từng viết rằng việc duy trì các lò VVER ở châu Âu và toàn cầu là một công cụ để Rosatom duy trì ảnh hưởng tại lục địa này.

Theo bà Olena Lapenko, chuyên gia từ Viện nghiên cứu DiXi Group, dự hiện diện của Rosatom còn có thể được sử dụng để gây áp lực chính trị và thúc đẩy lợi ích của Liên bang Nga, hoặc đe dọa.

“Một mặt, các quốc gia đa dạng hóa nguồn cung điện và sử dụng các khoản tài chính ưu đãi từ Liên bang Nga để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân này. Nhưng mặt khác, họ trở nên phụ thuộc trong nhiều thập kỷ, có thể là 50–60 năm, sau đó lại gia hạn thời gian hoạt động của các lò phản ứng. Và đó chính là lý do tại sao việc mở rộng này đang diễn ra”, bà Lapenko giải thích.

“Lúc đầu bạn nhận được tài chính ưu đãi từ Liên bang Nga, rồi sau đó mọi người lại thắc mắc vì sao một số nước lại có các hành động ‘khó hiểu’ tại Liên hợp quốc. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Liên bang Nga là giá rẻ – công nghệ thời Liên Xô rẻ hơn so với công nghệ của Mỹ và Pháp”, bà Lapenko nói thêm.

Đến nay, vẫn chưa rõ vì sao chính phủ Ukraine không tiếp cận các nhà sản xuất phương Tây như Westinghouse – những đơn vị cung cấp công nghệ lò phản ứng hiện đại và vượt trội hơn tiêu chuẩn Liên Xô.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bulgaria-bat-ngo-tu-choi-ban-lo-phan-ung-hat-nhan-cho-ukraine-20250416074411738.htm