Bún chắt chắt – Món dân dã nhưng ngon 'đã đời'
Bún chắt chắt của người làng Mai Xá đậm đà hương vị dân dã này không chỉ là một món ăn mà còn gói ghém cả tấm chân tình của người dân 'đất lửa' Quảng Trị.
Tôi và Hà là bạn bè học chung lớp cấp 3. Ra trường, cả hai đều về lại tỉnh công tác nên thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ và ghé nhà chơi. Quê Hà ở làng Mai Xá, một vùng đất không chỉ nổi tiếng về truyền thống hiếu học của Quảng Trị mà đây còn là nơi xuất xứ một món ăn trứ danh, nức tiếng xa gần - bún chắt chắt (còn gọi là bún hến). Vào cuối tháng 4-2017 vừa rồi, món ăn này đã được công nhận "Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao tặng.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở trong làng, nhà Hà gắn bó với nghề bán bún chắt chắt từ nhiều năm nay. Cả mấy chị em Hà được nuôi lớn và ăn học cũng nhờ vào gánh bún chắt chắt mỗi sớm mai của mẹ. Những dịp sang nhà Hà chơi, tôi đều được cô bạn thết đãi tô bún chắt chắt to tướng. Có khi của nhà vừa nấu xong hoặc không thì đến hàng quán nào đó ở trong làng mua rồi nhâm nhi thưởng thức.
Biết tính tôi mê nội trợ và thích tìm hiểu nền ẩm thực các vùng miền của Tổ quốc nên Hà không quên giới thiệu về món ăn này và còn hướng dẫn tỉ mỉ cách chế biến.
Theo lời giới thiệu của cô bạn, khác với nhiều thương hiệu bún hến khác là dùng con hến để nấu, món bún này của người làng Mai Xá lại sử dụng con chắt chắt để làm nước dùng. Chắt chắt vốn là một loài thuộc họ hến nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có màu đen sậm, vị ngọt đặc biệt, sống ở vùng nước lợ.
Loài vật này chứa nhiều protid, chất sắt, đồng, vitamin B12, ít cholesterol nên thích hợp với người thiếu máu và người bị bệnh tim mạch. Thịt chắt chắt vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu.
Để làm được món bún chắt chắt phải qua nhiều công đoạn. Chắt chắt sau khi cào từ sông về thì mang ngâm trong nước vo gạo, sau đó đổ vào rổ rồi chà thật mạnh cho bay lớp bùn nhớt bám bên ngoài mặt vỏ và xả lại với nước nhiều lần cho sạch. Sau đó, cho chắt chắt vào nồi nước và bắc lên bếp luộc chín.
Khi nước sôi, muốn chắt chắt mở vỏ đều và nhanh thì trong quá trình này phải dùng đũa khuấy liên tục. Lửa cũng phải đều nếu không con chắt chắt sẽ ngậm lại. Đổ số nước luộc ở trong nồi ra để riêng, còn phần chắt chắt thì vớt ra rá và cho vào thau nước đãi vỏ lấy thịt. Tiếp đến phi thơm hành, cho thịt chắt chắt vào xào, đến khi săn lại thì nêm thêm gia vị và đảo cho thấm. Bắc nồi nước luộc lên bếp và thả thêm vài lát gừng tươi vào. Lúc nào nước sôi thì nêm thêm mắm muối cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Đi kèm với món ăn này không thể thiếu chén muối ớt gừng cay nồng, bắt mắt, với thành phần gồm muối hạt, ớt trái, mì chính và gừng tươi được giã đều, sau đó cho thêm tiêu xanh để nguyên hạt vào. Còn phần rau sống ăn cùng cũng rất đa dạng và được thay đổi tùy theo mùa cho phù hợp, gồm rau đắng, xà lách, giá, rau má, diếp cá, cải mầm, bắp chuối, bắp su xắt mỏng...
Cách thưởng thức món bún chắt chắt cũng rất đặc biệt. Thực khách sẽ được trình bày bàn ăn như một bữa tiệc chứ không đơn thuần chỉ là một tô bún như chúng ta thường thấy. Ở trên bàn đặt tô nước dùng còn tỏa hơi nghi ngút, bên cạnh là tô bún với từng sợi bún trắng nõn, dĩa chắt chắt xào thơm nức mũi, dĩa rau sống xanh mát, chén muối cay nồng bắt mắt... và vài chiếc bánh tráng nướng giòn thơm.
Múc thịt chắt chắt cùng đậu lạc rang, rau sống, muối ớt gừng và bánh tráng nướng vào tô bún và trộn đều rồi chan nước dùng vào. Vị ngọt dai của thịt chắt chắt, vị bùi béo của đậu phộng, giòn tan của bánh tráng cùng vị cay của tiêu gừng và thanh mát của nước dùng tạo nên sự ngon miệng trọn vẹn, ấn tượng cho người thưởng thức. Cũng bởi lẽ thế mà các quán bún chắt chắt ở Mai Xá không cần mời chào vồn vã nhưng lúc nào cũng đông khách, nhất là dịp lễ, Tết.
Những người đến rồi đi vẫn giữ lời hẹn ước sẽ quay lại thưởng thức món bún chắt chắt đậm đà hương vị dân dã này thêm lần nữa. Ở món ăn này không chỉ là một thức đồ mà còn gói ghém cả tấm chân tình của người dân "đất lửa" Quảng Trị.