Bùng nổ chương trình đào tạo về AI tại các cơ sở giáo dục

Với tốc độ phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo, ngày càng nhiều trường học đào tạo cấp bằng dành riêng cho lĩnh vực AI. Theo Indeed.com, chương trình liên kết, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ AI dự kiến sẽ bùng nổ bởi thị trường đang thiếu hụt nhân tài…

Khoa học máy tính không phải là chuyên ngành mới tại các cơ sở đào tạo. Nhưng với nhu cầu của một số vị trí công việc, ngày càng nhiều trường cao đẳng và đại học đào tạo chuyên ngành "AI", theo CNBC.

Những chương trình này thường vượt ra ngoài nền tảng khoa học máy tính, tập trung vào học máy, thuật toán điện toán, phân tích dữ liệu và robot tiên tiến. Mới đây, Trường Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) thông báo, chương trình B.S.E về Trí tuệ nhân tạo sẽ bắt đầu triển khai giảng dạy vào mùa thu năm nay. Ngoài ra, Đại học Carnegie Mellon và Đại học Purdue (Hoa Kỳ) cũng xác nhận sẽ đào tạo chuyên ngành AI. Còn đa số trường cao đẳng, đại học khác thường cung cấp khóa học về AI ngay cả khi không có chuyên ngành riêng biệt.

Bùng nổ các chương trình đào tạo về AI diễn ra khi doanh nghiệp thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực. Mặc dù vậy, xuất hiện rất nhiều hoài nghi về cơ hội sau khi tốt nghiệp của sinh viên bởi bối cảnh AI đang thay đổi chóng mặt từng ngày. Một số người ủng hộ cho rằng, miễn là chương trình tập trung vào khoa học máy tính cùng những nguyên tắc cơ bản, thì kiến thức nền tảng và giá trị đi kèm vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích.

NỀN TẢNG CƠ BẢN VỀ STEM LÀ RẤT QUAN TRỌNG

Sinh viên muốn theo học AI nên tìm kiếm một số chương trình giảng dạy kiến thức cơ bản như khái niệm khoa học máy tính, thống kê, toán học và kỹ thuật, xây dựng nền tảng liên quan đến AI, ông Kerem Koca, Giám đốc Điều hành BlueCloud, nhà cung cấp dịch vụ đám mây, cho biết. Ông nói, công nghệ đang thay đổi nhưng nền tảng cốt lõi thì không, vậy nên chúng ta cần trang bị cho sinh viên những nền tảng cơ bản giúp các em thành công.

"Điều quan trọng là các chương trình đào tạo AI không nên chỉ tập trung phát triển một kỹ năng cụ thể mà phải chú trọng giúp sinh viên hiểu cách học, khơi dậy trí tò mò và một số kỹ năng như lãnh đạo, giao tiếp và tư duy phản biện", bà Maria Flynn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Jobs for the Future, viết trong một email.

NHU CẦU AI TĂNG ĐỘT BIẾN KỂ TỪ NĂM 2011

Một số chương trình đào tạo AI cấp đại học và sau đại học có sự gia tăng mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua. Theo Trung tâm An ninh và Công nghệ mới thuộc Đại học Georgetown, chuyên ngành AI đang đi ngược với xu hướng chung trong giáo dục kể từ năm 2011, tăng đáng kể so với mức giảm của tất cả ngành học khác.

Đặc biệt, học viên tốt nghiệp chuyên ngành AI tăng nhanh hơn khối ngành STEM ở mọi cấp độ từ cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ. Theo dữ liệu Chính phủ và một số nguồn khác trên thị trường giáo dục, số lượng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành AI tăng 120% kể từ năm 2011.

Top 10 trường đại học tại Hoa Kỳ cấp bằng cử nhân liên quan đến AI. Ảnh: CNBC

Top 10 trường đại học tại Hoa Kỳ cấp bằng cử nhân liên quan đến AI. Ảnh: CNBC

VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC TRONG BỐI CẢNH CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN THẦN TỐC

Một số sinh viên tự hỏi: Liệu bằng cấp có thật sự cần thiết hay không? Thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng và trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê người lao động không có bằng cấp nếu họ có kỹ năng phù hợp cho công việc.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã hạn chế tuyển dụng ứng viên không có bằng cấp. Theo nghiên cứu từ Ladders, bằng cấp vẫn là yêu cầu tối thiểu cho đa số công việc được trả lương cao, trong đó có kỹ sư phần mềm.

Bằng cấp là yếu tố quan trọng với hầu hết ứng viên lần đầu gia nhập thị trường lao động, bà Celeste Grupman, Giám đốc Điều hành Dataquest, công ty chuyên cung cấp tài liệu giáo dục và phòng thí nghiệm liên quan đến AI cho các trường đại học, khẳng định. "Đây vẫn là một trong những tiêu chí đầu tiên mà nhà tuyển dụng xem xét. Yếu tố này sẽ giúp bạn có lợi thế hơn so với những ứng viên không có bằng cấp".

Bên cạnh đó, một vài nền tảng giáo dục như Dataquest và Coursera cung cấp chứng chỉ và khóa đào tạo ngắn hạn về AI cho người học. Các chương trình phù hợp với những sinh viên thiếu thời gian và nguồn lực để hoàn thành chương trình đại học, hoặc đã hoàn thành và mong muốn nâng cao kỹ năng, Giám đốc Điều hành Dataquest chia sẻ.

Điều quan trọng là sinh viên phải phân biệt được chương trình mà họ đang tìm hiểu khác với chương trình giảng dạy khoa học máy tính thông thường như thế nào, lộ trình phát triển trong tương lai và biết rõ mình được học khía cạnh nào về AI.

Sinh viên cần cân nhắc cẩn thận mục tiêu của mình: chương trình giúp sinh viên tiếp cận, thực hành sử dụng AI hay cung cấp kiến thức cơ bản về công nghệ AI? Liệu kỹ năng và kiến thức thực chiến có thể áp dụng ngay hay muốn tích lũy nền tảng kiến thức cho sau này?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LỌT VÀO MẮT XANH CỦA NHÀ TUYỂN DỤNG

Một số nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên có bằng cấp dành riêng cho AI hơn so với khoa học máy tính nói chung, ông David Leighton, Giám đốc Điều hành WITI, khẳng định. "Tôi nghĩ điều đó tạo nên sự khác biệt".

Mặt khác, không ai thực sự biết giá trị của tấm bằng AI trong một vài năm tới. "Vào năm 2000, nếu bạn có bằng về internet, bạn có thể kiếm được việc làm ở bất cứ đâu. Bây giờ, nó không phù hợp nữa, nhưng điều tương tự có thể xảy ra với tấm bằng về AI trong tương lai", CEO Koca khẳng định.

Do vậy, một số chuyên gia cho biết, không thể nói là sai lầm nếu sinh viên đang theo học các ngành như khoa học máy tính truyền thống hay AI, miễn là nắm được kiến thức cơ bản. Những người có thâm niên trong nghề cũng nên cân nhắc tham gia khóa học liên quan đến AI và khoa học dữ liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm trong tương lai.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bung-no-chuong-trinh-dao-tao-ve-ai-tai-cac-co-so-giao-duc.htm