Bùng nổ công nghệ làm đẹp: Đánh cược mạng sống vì tin quảng cáo
Theo các chuyên gia, bất kỳ can thiệp thẩm mỹ nào cũng chứa rủi ro.
Theo các chuyên gia, bất kỳ can thiệp thẩm mỹ nào cũng chứa rủi ro. Do đó, khách hàng có nhu cầu làm đẹp có thể chọn các cơ sở uy tín, đã được thẩm định và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.
Biến chứng thường gặp
Sự bùng nổ của các cơ sở thẩm mỹ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Thực tế, có không ít cơ sở hoạt động trái phép, vi phạm các quy định chuyên môn, dùng chiêu trò quảng cáo lừa bịp khách hàng. Từ đó, khiến nhiều “thượng đế” không chỉ tiền mất, tật mang, mà còn gánh chịu những hậu quả khủng khiếp về sức khỏe và nhan sắc.
Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, đang điều trị cho bệnh nhân bị áp xe sau khi tiêm filler. Cụ thể, ngày 26/2, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 37 tuổi, được tiêm filler vùng mông cách ngày đến khám 3 tuần tại một cơ sở người quen. Bệnh nhân không biết mình được tiêm loại thuốc gì.
Sau tiêm 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh và hạ sốt tại nhà, nhưng các triệu chứng không giảm. Sau khi xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bệnh nhân đến khám tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.
Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín. Các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh và chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Một trường hợp khác là bệnh nhân H.T.H. (36 tuổi). Vào dịp sát Tết Nguyên đán, chị H. có tiêm filler vào vùng cằm tại một spa ở TPHCM và không biết mình được tiêm sản phẩm gì. Sau khi tiêm một ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt.
Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tổn thương không hết. Hai tuần kể từ khi làm đẹp, chị H. bắt đầu có dấu hiệu chảy dịch, mủ trong khoang miệng nên đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe cằm sau tiêm filler. Bệnh nhân được chỉ định chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm, điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ.
Sau đó, các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại.
Cẩn trọng trước “chiêu trò” quảng cáo
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội), Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng tăng theo.
Để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều spa, thẩm mỹ viện ra đời. Song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và cấp phép hành nghề, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở “chui”.
Người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng.
Tại Việt Nam, số lượng bác sĩ hành nghề thẩm mỹ tăng với chất lượng ổn định. Cùng với đó là sự đào tạo về phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như những phương pháp ít xâm lấn được thực hiện trong các trường đại học ngày càng nhiều.
“Tuy nhiên, biến chứng trong làm đẹp là điều dễ gặp khi những kỹ thuật làm đẹp không được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, không được thực hiện tại cơ sở được cấp phép. Những tai biến này làm xấu đi hình ảnh của ngành thẩm mỹ”, GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết.
Tại các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả của những spa “chui” này, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên mạng để rồi “tiền mất tật mang”. Trong các bệnh nhân vào viện, biến chứng sau làm đẹp, đặc biệt là tiêm filler chiếm số lượng tương đối lớn.
Theo bác sĩ Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là thủ thuật tiêm đưa hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt. Qua đó, làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy trên khuôn mặt. Đồng thời, giảm dần các dấu hiệu lão hóa theo thời gian.
Tuy nhiên, tiêm filler chỉ thực sự an toàn và có hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Khi khách hàng chọn những cơ sở không được cấp giấy phép, nguy cơ tai biến rất cao có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Trong khi đó, theo GS.TS Trần Thiết Sơn, bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, những khách hàng có nhu cầu làm đẹp có thể chọn các cơ sở uy tín, đã được thẩm định và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình và nhất là sức khỏe, tính mạng.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, khách hàng cũng cần cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo hoa mỹ kiểu đẹp nhanh chóng, trắng sáng nhanh chóng... của các cơ sở thẩm mỹ trên các trang mạng xã hội hay các loại hình khác.