Bùng nổ 'du lịch ngủ', một xu hướng kỳ lạ trong năm 2023
Sự bùng nổ của loại hình 'du lịch ngủ' chính là khi con người nhận ra mình cần thoát khỏi guồng quay công việc và cải thiện thói quen ngủ đã xuống cấp đang tàn phá cả thể chất lẫn tinh thần.
Một kỳ nghỉ trong đó du khách nhanh chóng leo lên giường để ngủ ngay khi tới nơi, thay vì tham gia các hoạt động khám phá trải nghiệm, đang ngày càng được ưa chuộng. Vậy lý do nào đã khiến “du lịch ngủ” trở nên phổ biến?
Những kỳ nghỉ thường khiến chúng ta nghĩ ngay tới các chuyến phiêu lưu, những cảnh đẹp mê hồn, các nền ẩm thực đa dạng hay cuộc sống về đêm phong phú.
Chúng ta thường cố gắng tận dụng tối đa thời gian lưu trú ngắn ngủi để khám phá điểm đến của mình.
Một xu hướng du lịch thời thượng
Tuy nhiên, 2023 được dự đoán sẽ bùng nổ một xu hướng du lịch mới mang tên “du lịch ngủ” (sleep tourism).
Ngoài cái tên nghe có vẻ hơi hài hước, “du lịch ngủ” nói một cách đơn giản chính là tất cả những trải nghiệm du lịch, được thiết kế đặc biệt để cải thiện chất lượng giấc ngủ của các thượng khách.
Ông Mallikarjun Reddy, người điều hành tại khách sạn The Westin Gurgaon, New Delhi, Ấn Độ, khẳng định “du lịch ngủ” chính là cơ hội tuyệt vời để các khách sạn nâng cao dịch vụ của mình.
Điểm khiến “du lịch ngủ” khác biệt với các hình thức du lịch khác tập trung ở quá trình nghỉ ngơi và trẻ hóa, chứ không phải khám phá hay trải nghiệm như thông thường. Tuy nhiên, xu hướng này hoàn toàn có thể kết hợp với các loại hình du lịch khác.
Theo giới chuyên gia trong ngành, đây là một nhánh của du lịch chăm sóc sức khỏe. Sự bùng nổ của “du lịch ngủ” chính là khi con người nhận ra mình cần thoát khỏi guồng quay công việc và cải thiện thói quen ngủ đã xuống cấp từ lâu.
Hiện nhiều dịch vụ liên quan đã xuất hiện để đáp ứng xu hướng này.
Tháng 1/2022, khách sạn Park Hyatt tại New York, Mỹ, đã cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite, hệ thống phòng rộng hơn 83m2 sử dụng loại đệm Bryte.
Mỗi chiếc đệm có 90 miếng cảm ứng thông minh, được lắp đặt nhằm điều chỉnh và giảm thiểu các áp lực của cơ thể.
Ngoài ra, loại đệm này còn có thể kiểm soát nhiệt độ, theo dõi và cung cấp số liệu thống kê, phân tích chi tiết về giấc ngủ cho khách hàng qua các thiết bị điện tử như điện thoại hay máy tính.
Cadogan, một khách sạn thuộc chuỗi khách sạn Belmond ở London, Anh, cũng tự hào cung cấp gói dịch vụ nhằm cải thiện giấc ngủ bao gồm các bản nhạc thiền định, bộ gối tương thích với thói quen ngủ của khách hàng, tấm chăn có trọng lượng phù hợp kèm một tách trà nóng.
Khách sạn 5 sao Mandarin Oriental tại Geneva thậm chí còn hợp tác với CENAS (phòng khám y tế tư nhân về giấc ngủ ở Thụy Sĩ) nhằm thực hiện chương trình nghiên cứu kéo dài 3 ngày, ghi chú thói quen ngủ của khách hàng từ đó xác định các vấn đề tiềm ẩn về giấc ngủ cũng như sức khỏe.
Lý do đằng sau sự phát triển của “du lịch ngủ”
Nhiều chuyên gia trong ngành lưu ý rằng “du lịch ngủ” sẽ xuất hiện như một cơn gió nhẹ thổi vào xã hội hiện đại.
Tiến sỹ Rebecca Robbins, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ và là đồng tác giả của cuốn sách ‘Ngủ để thành công!’ (‘Sleep for Success!’), chia sẻ với trang tin CNN rằng sẽ rất lâu nữa mới có sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy du lịch của con người.
“Du lịch gắn liền với những bữa ăn thịnh soạn, những điểm tham quan hấp dẫn và nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Tất cả những điều này thường được đánh đổi bằng những giấc ngủ ngon.”
Chuyên gia này nói thêm, “Tuy nhiên, tôi cho rằng con người đang có những nhận thức mới về việc ưu tiên cho vấn đề sức khỏe.”
Đại dịch COVID-19 cũng đóng một vai trò trong sự bùng nổ của xu hướng “du lịch ngủ,” bởi mức độ căng thẳng cao hơn đã khiến con người ngày càng khó ngủ hơn.
Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Sleep Medicine cho biết 40% trong số 2.500 người trưởng thành nói rằng họ bắt đầu ngủ ít đi kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Người trưởng thành thường được khuyên nên ngủ tối thiểu từ 7 đến 9 tiếng/ngày nhưng tình trạng căng thẳng và tần suất sử dụng công nghệ dày đặc đang gây ra tình trạng thiếu ngủ trầm trọng trong xã hội hiện đại.
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch bắt đầu nổ ra, đã xuất hiện một số nghiên cứu và báo cáo về thực trạng mất ngủ như sau: “Trong đại dịch, tất cả các chu kỳ tự nhiên của chúng ta đều thay đổi. Chúng tôi bắt đầu thấy nhiều trường hợp có vấn đề về sức khỏe tinh thần, họ dễ lo âu và thậm chí là trầm cảm. Do đó, chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực,” Giám đốc Chăm sóc sức khỏe Vanessa Infante chia sẻ với tạp chí Coveteur.
Thiếu ngủ đang được coi là một vấn đề nhức nhối toàn cầu, tàn phá cả thể chất lẫn tinh thần của nhân loại. Thiếu ngủ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, bệnh tim và ung thư.
Ngược lại, giấc ngủ có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, hỗ trợ thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng, trí tuệ và năng suất của con người.
Nhìn chung, giấc ngủ là một phần trọng yếu trong cuộc sống con người, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi “du lịch ngủ" trở nên phổ biến trong năm 2023./.