Bước chân thầm lặng

Dấn thân tới vùng dịch bệnh, lặn lội phòng chống dịch tận những thôn bản xa xôi, bất kể ngày đêm, mưa nắng, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương chưa khi nào hết yêu nghề của mình. Với anh, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lương y như từ mẫu như một lời chỉ dẫn, để anh thầm lặng cống hiến với nghề.

Bác sĩ của cộng đồng

Bác sĩ Ngô Cao Lâm bộc bạch, thời của anh, sinh viên y khoa ra trường chỉ thích vào các chuyên khoa “hot” lâm sàng như: Nội, Ngoại, Sản, Nhi…, chứ không mấy ai muốn làm công tác y tế dự phòng vì công việc này vừa vất vả, lại không có “uy” của người làm nghề y.

Bác sĩ dự phòng ngoài chống dịch còn phải đi vận động người dân xây dựng nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh… nên thường được gọi vui là bác sĩ “phân - nước - rác”. Cũng vì lý do này, rất nhiều cán bộ y tế dự phòng sau một thời gian tham gia phòng dịch đã chuyển sang công việc khác khi có cơ hội… Sau gần 40 năm gắn bó công tác dự phòng bác sĩ Lâm đúc kết lại: Muốn làm tốt y tế dự phòng trước hết phải yêu nghề, đam mê với công việc của mình; phải chịu khó lăn lộn với cộng đồng và phải rất nhanh nhạy quan sát tình hình dịch tễ.

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương.

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương.

Bác sĩ Lâm chia sẻ: “Nghề của chúng tôi đến “Con muỗi bay qua phải biết ngay đó là muỗi đực hay muỗi cái”. Thật vậy, nhiều bệnh do con muỗi truyền, nhưng muỗi truyền sốt xuất huyết chỉ đẻ ở các dụng cụ chứa nước trong, thậm chí ở lọ hoa và chỉ đốt ban ngày, nên thường được gọi là “muỗi nhà vua”, nhưng muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản lại ở chuồng trâu, bò tối mới bay vào đốt người… Vì đặc tính sinh học khác nhau mà có biện pháp phun, diệt khác nhau”.

Từng đấy năm làm trong ngành Y cũng là từng ấy năm bác sĩ Lâm gắn bó với công tác dự phòng. Cứ đâu có dịch là có bác sĩ Lâm. Gần 40 năm trong nghề, thì có đến hơn 20 năm trên cương vị “Tổng chỉ huy” công tác dự phòng của huyện cũng là chừng đấy năm dịch bệnh trên địa bàn luôn được dập kịp thời không có trường hợp nào tử vong do nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương kiểm tra kho bảo quản vắc xin của trung tâm.

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương kiểm tra kho bảo quản vắc xin của trung tâm.

Những chiến công thầm lặng

Công tác Y tế dự phòng trước kia vô cùng gian nan. Thực tế, hiệu quả phòng bệnh phụ thuộc vào xét nghiệm nhưng phương tiện thô sơ, lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn nên các cán bộ, chuyên gia dịch tễ rất vất vả. Để xét nghiệm tìm ra bệnh bạch hầu, các loại cúm anh cùng các đồng nghiệp phải lấy tăm tre vót nhọn xong quấn bông làm dụng cụ ngoáy họng chứ không phải có que lấy mẫu đồng bộ như ngoáy họng xét nghiệm cúm như hiện nay. Vì thiếu thốn phương tiện xét nghiệm nên chẩn đoán dịch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Gần 40 năm làm công tác dự phòng không quản ngại đường sá, dốc đèo hiểm trở bác sĩ cùng đồng nghiệp băng rừng, lội suối, ngày đêm đi vận động bà con đi tiêm chủng, khám và điều trị bệnh. Có những nơi anh phải đi bộ mất một ngày mới tới nơi. Đến nơi không những họ không nghe mà còn nhiếc móc cán bộ “ăn” thuốc, vắc - xin của dân… rồi chúng tôi tự điều trị ở nhà không cần bác sĩ. Rồi những hôm lặn lội vào tận rừng sâu bắt muỗi về thí nghiệm gặp mưa phải nghỉ lại giữa rừng, đêm hôm rét buốt, còn phải làm mồi cho muỗi đốt…

Các thôn thường có người mắc sởi, ho gà, viêm gan A. Anh cùng đồng nghiệp lặn lội vào tận các hộ để giám sát dịch, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn dân bản các biện pháp phòng, chống. Mưa dầm thấm lâu rồi anh cũng tuyên truyền, vận động được người dân khi ốm đến cơ sở y tế để khám, nhà có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến trạm y tế tiêm đầy đủ, ăn uống hợp vệ sinh để phòng bệnh...

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Minh Thanh cách pha Cloramin B để phun khử khuẩn.

Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Minh Thanh cách pha Cloramin B để phun khử khuẩn.

Bác sĩ Lâm hồi tưởng dòng ký ức: “Năm 2008, dịch cúm gia cầm AH5N1 xảy ra trên diện rộng trên địa bàn huyện Sơn Dương, sau đó có 1 bệnh nhân ở xã Tân Trào do ăn phải cúm gia cầm mắc bệnh. Nhiều người không dám đến gần, nhưng chúng tôi - những cán bộ y tế dự phòng đã không ngần ngại lăn xả, xử lý chất thải, khử trùng môi trường bằng Cloramin B, cách ly và điều trị người bệnh theo phác đồ. Khi đó, tôi cùng các đồng nghiệp xuống địa phương thay nhau kiểm dịch trong điều kiện mưa phùn gió rét. Tuy điều kiện sinh hoạt khó khăn, cơ sở vật chất lúc đó còn nghèo nàn nhưng mọi người đều đồng lòng khắc phục và đã dập tắt dịch bệnh kịp thời và không để dịch lây lan”.

Hay như đợt dịch Covid-19 vừa qua, hơn 2 năm ròng rã trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vượt lên trên khó khăn, nguy hiểm bác sĩ Ngô Cao Lâm vẫn lặng thầm cống hiến góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Bác sĩ Lâm chia sẻ: “Làm công tác y tế dự phòng đã tôi luyện trong tôi sự năng động, sáng tạo và cả sự táo bạo.

Trải qua các đợt dịch cúm AH5N1, sởi, Covid-19, bạch hầu trên địa bàn huyện, tôi không chỉ thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người bác sĩ dịch tễ mà còn hiểu được rằng: Thành công của một ca phẫu thuật có thể cứu sống một mạng người nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc. Không trực tiếp điều trị nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người”.

Gần 40 năm công tác, niềm vui đến với bác sĩ Ngô Cao Lâm cũng nhiều và khó khăn, vất vả cũng không ít; nhưng anh đã vượt qua để cùng những người nơi tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân.

Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/buoc-chan-tham-lang-206958.html