Bước chuyển lịch sử của Mỹ nhìn từ màn phô diễn sức mạnh táo bạo ở Thái Bình Dương: Kỳ 1
Không quân Mỹ đã triển khai bốn máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer đến Căn cứ Không quân Misawa ở miền Bắc Nhật Bản và duy trì sáu chiếc B-2 Spirit tàng hình tại Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, đưa tổng số máy bay ném bom chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Trung Đông lên mười chiếc, trong phạm vi tấn công của Trung Quốc.
Động thái triển khai quy mô lớn

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chuyên trang quân sự Bulgarianmilitary.com, động thái triển khai quy mô lớn này được tiết lộ bởi tài khoản tình báo mã nguồn mở OSINTdefender đã đánh dấu một bước chuyển lịch sử về vị thế quân sự của Mỹ khi đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Việt Nam, máy bay ném bom tầm xa được triển khai lâu dài tại Nhật Bản.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là quanh Biển Đông và Eo biển Đài Loan, phát tín hiệu về việc thực thi một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm đối phó với tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đồng thời củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khu vực khác. Không đơn thuần là một hoạt động mang tính luân phiên thường kỳ, việc triển khai lần này làm dấy lên câu hỏi về mục tiêu dài hạn của Lầu Năm Góc trong khu vực đã trở thành nơi các cường quốc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chiếc B-1B Lancer, trung tâm của đợt triển khai tại Căn cứ Không quân Misawa, là một máy bay ném bom tầm xa hạng nặng, có tốc độ siêu âm, được thiết kế để mang nhiều loại vũ khí thông thường và tấn công ở khoảng cách xa. Được phát triển bởi Rockwell International (nay thuộc Boeing) từ thập niên 1970, B-1B chính thức hoạt động vào năm 1986, thay thế cho một phần vai trò của chiếc B-52 Stratofortress đã lạc hậu.
Khác với người tiền nhiệm B-52, B-1B được tối ưu hóa cho các nhiệm vụ đột nhập ở độ cao thấp, giúp nó tránh bị radar phát hiện bằng cách bay dưới tầm phòng không của đối phương. Cánh máy bay có thể thay đổi độ nghiêng (variable-sweep wing) giúp nó đạt tốc độ tới Mach 1.2, mặc dù tốc độ hành trình thông thường là dưới âm thanh.
Máy bay có bán kính chiến đấu khoảng 3.000 dặm (gần 5.000 km) mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, và có thể vươn xa hơn nữa khi được tiếp nhiên liệu, khiến nó rất phù hợp cho các chiến dịch trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn.
Với bốn động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, B-1B có thể mang tới 125.000 pound (hơn 56 tấn) vũ khí, bao gồm cả vũ khí dẫn đường chính xác như JDAM (bom tấn công trực tiếp liên hợp) và AGM-158C LRASM (tên lửa chống hạm tầm xa). Đặc biệt, LRASM mang lại khả năng chống hạm mạnh mẽ, cho phép B-1B tấn công mục tiêu hải quân ở cự ly hơn 200 dặm (321km), yếu tố then chốt trong các kịch bản xung đột tiềm tàng với lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông.
Khả năng linh hoạt của B-1B không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ chống hạm. Nó có thể mang nhiều loại vũ khí không đối đất, bao gồm bom chùm, tên lửa tầm xa, phù hợp để tiêu diệt các boong-ke kiên cố, sở chỉ huy hoặc bệ phóng tên lửa cơ động. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của B-1B, bao gồm radar bám địa hình và hệ thống đối kháng điện tử, giúp nó sống sót trong môi trường tác chiến khắc nghiệt.
Phi hành đoàn gồm 4 người, gồm phi công, lái phụ và hai sĩ quan vũ khí điều hành một hệ thống quản lý nhiệm vụ hiện đại cho phép điều chỉnh mục tiêu theo thời gian thực. Trong suốt quá trình hoạt động, B-1B đã trải qua nhiều lần nâng cấp, gần đây tập trung vào tích hợp vũ khí mới và khả năng tác chiến mạng. Không quân Mỹ từng thử nghiệm khả năng mang vũ khí siêu vượt âm như AGM-183A ARRW, dù loại này chưa được triển khai chính thức.
So với đối thủ Trung Quốc là H-6N, B-1B vượt trội về tốc độ, trọng tải và khả năng sống sót. H-6N – phiên bản hiện đại hóa của máy bay Tu-16 thời Liên Xô – không có khả năng đột nhập tầm thấp, phụ thuộc vào tên lửa hành trình tầm xa, khiến nó kém linh hoạt trong các kịch bản chiến đấu năng động.
Việc triển khai 4 chiếc B-1B tới Căn cứ Không quân Misawa – được thực hiện bởi Phi đội ném bom viễn chinh số 9 từ Căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas (Mỹ) – nằm trong sáng kiến Lực lượng Thực thi nhiệm vụ ném bom (Bomber Task Force – BTF), một khái niệm ra đời từ năm 2018 nhằm thay thế mô hình duy trì hiện diện thường trực bằng các đợt luân phiên linh hoạt và khó dự đoán hơn.
Theo Bộ Chỉ huy Không quân Thái Bình Dương, các máy bay Lancer đã đến Căn cứ Không quân Misawa vào ngày 15/4/2025, sau khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên không phận Hàn Quốc cùng máy bay chiến đấu Mỹ và Hàn Quốc như F-16 và F-35. Cuộc tập trận chung này thể hiện cam kết của Mỹ đối với khả năng phối hợp tác chiến với các đồng minh, một trụ cột trong chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Căn cứ Không quân Misawa, cách Tokyo khoảng 425 dặm (683km) về phía Bắc, nằm trên đảo Honshu, là một trung tâm chiến lược được Không quân, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sử dụng chung. Nơi đây là căn cứ của các phi đội F-16, máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon và tiêm kích F-35 Nhật Bản, giúp Mỹ triển khai sức mạnh ra toàn bộ “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm Biển Đông, Eo biển Đài Loan và một phần biển Hoa Đông.
Việc chọn Căn cứ Không quân Misawa thay vì Căn cứ Andersen ở Guam – vốn dễ bị tấn công – thể hiện nỗ lực có chủ đích của Mỹ trong việc đa dạng hóa vị trí căn cứ, giảm rủi ro bị Trung Quốc tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo, nhiều loại trong số đó có tầm bắn vượt quá 1.800 dặm (2.896km).
Sự hiện diện đồng thời của sáu máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tại Diego Garcia – một hòn đảo hẻo lánh do Anh quản lý ở Ấn Độ Dương – đã làm tăng đáng kể sức mạnh chiến lược của đợt triển khai này.
B-2, do Northrop Grumman thiết kế, là máy bay ném bom tàng hình hàng đầu thế giới, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không tiên tiến nhất. Với tiết diện phản xạ radar còn nhỏ hơn cả một con chim, B-2 có thể mang tới 40.000 pound (khoảng 18 tấn) vũ khí, bao gồm cả bom xuyên phá GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP) nặng 30.000 pound (13,6 tấn) – được thiết kế để phá hủy các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.
Thiết kế cánh bay liền khối và vật liệu hấp thụ sóng radar tiên tiến giúp B-2 gần như vô hình trước hầu hết các hệ thống radar – một năng lực mà không một loại máy bay ném bom nào khác, kể cả Tu-160 của Liên bang Nga hay dòng H-6 của Trung Quốc, có thể sánh được.
B-2 lần đầu tham chiến vào năm 1999 trong cuộc chiến Kosovo, khi nó tiêu diệt 33% mục tiêu của Serbia trong 8 tuần đầu Mỹ tham chiến khi thực hiện các chuyến bay liên tục không nghỉ từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri.
Gần đây hơn, B-2 đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu Houthi tại Yemen, chứng minh tính linh hoạt của nó trong cả vai trò chiến lược lẫn tác chiến thông thường. Tại Diego Garcia, các máy bay B-2 được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 và vận tải cơ C-17, giúp đảm bảo hoạt động bền vững tại khu vực Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Quyết định triển khai B-1B đến Nhật Bản lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ là một sự chuyển hướng đáng kể so với chiến lược trước đây, vốn dựa nhiều vào Guam,Australia và Diego Garcia để bố trí máy bay ném bom trong khu vực. Trong thời Chiến tranh Việt Nam, B-52 từng hoạt động từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, nhưng sau đó các vòng luân chuyển máy bay ném bom tại Nhật Bản đã chấm dứt vì nhạy cảm chính trị và sự hiện diện của các căn cứ thay thế.
Kỳ cuối: Bước chuyển mang tính chiến lược