Bước chuyển từ '5 ngày tình nguyện'
Hiện nay, các đoàn trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang lấy việc thực hiện 5 ngày tình nguyện/ năm học để làm một trong những thước đo đánh giá đoàn viên, thanh niên. Chỉ tiêu này đã mang lại bước chuyển đáng mừng cho công tác đoàn, phong trào thanh niên trong nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn cho biết, mặc dù tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động tình nguyện của các đoàn trường trên địa bàn vẫn diễn ra phù hợp, hiệu quả. Trong năm học vừa qua, phần lớn đoàn viên, thanh niên các trường đã hoàn thành chỉ tiêu tham gia 5 hoạt động tình nguyện/học sinh. Ngoài hoạt động do đoàn trường tổ chức, nhiều học sinh còn cùng người thân, bạn bè, tổ chức, cá nhân hảo tâm… chung tay phòng, chống COVID-19, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. “Điều đó chứng tỏ học sinh hôm nay không thờ ơ với hoạt động tình nguyện. Nếu tiếp tục nhen lên thì ngọn lửa cống hiến trong các em sẽ tỏa sáng, cháy mãi”, chị Vĩnh An nói một cách hình ảnh.
Khi ngày tình nguyện bắt đầu được lựa chọn làm một trong những tiêu chí đánh giá đoàn viên khối trường học, chị Nguyễn Thị Vĩnh An cũng như nhiều cán bộ đoàn khác vừa mừng, vừa lo. Trước đây, trong quan niệm nhiều người, việc của học sinh là học và chỉ học. Suy nghĩ ấy khiến một bộ phận học sinh ngại ngần hoặc không mặn mà với hoạt động, phong trào. Chính điều ấy khiến các em mất đi cơ hội trải nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Hiểu rõ điều đó nên khi đoàn cấp trên lấy hoạt động tình nguyện làm một trong những thước đo để đánh giá đoàn viên, thanh niên, các cán bộ đoàn đều vui mừng xác định, đây là cách làm hay, phù hợp, giúp tạo bước chuyển cho công tác đoàn, phong trào thanh niên khối trường học. Mối lo duy nhất là liệu con số 5 ngày tình nguyện có trở nên quá sức với đoàn viên, thanh niên hay không?
Nhắc đến kết quả thực hiện chỉ tiêu 5 ngày tình nguyện, thầy giáo Lê Ánh Khánh, Bí thư Đoàn trường THPT Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh không giấu hết niềm vui. Năm học vừa qua, 100% đoàn viên, thanh niên đến từ 24 chi đoàn học sinh của trường đều đạt và vượt chỉ tiêu về số ngày tình nguyện. Theo thầy Khánh, để có kết quả ấy, ngay đầu năm học mới, đoàn trường đã xác định vai trò chủ công của mình. Các cán bộ đoàn nhanh chóng nhóm họp, lên ý tưởng, xây dựng hoạt động tình nguyện, công trình, phần việc thanh niên… Trong đó, các hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình, mới mẻ, sáng tạo, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên được ưu tiên lựa chọn. “Mục tiêu của chúng tôi là mỗi ngày đến trường, học sinh đều có những hoạt động tình nguyện. Chúng tôi rất vui vì qua hoạt động, phong trào, đoàn viên, thanh niên trong trường đã nhận ra, tình nguyện không phải là việc gì đó quá cao xa, tốn nhiều sức người, sức của mà có thể rất đơn giản, nhỏ bé nhưng thực sự ý nghĩa”, thầy Khánh chia sẻ.
Tại Trường PTDT Nội trú tỉnh, việc đánh giá đoàn viên, thanh niên dựa trên thước đo 5 ngày tình nguyện/ năm cũng đã và đang trở thành động lực thôi thúc học sinh người Vân Kiều, Pa Kô nỗ lực nhiều hơn. Đến từ các bản làng vùng sâu, vùng xa, phần lớn học sinh của trường thường rụt rè, ngại tham gia hoạt động thiện nguyện. Để hỗ trợ các em, cán bộ đoàn trường, chi đoàn đã nỗ lực cổ vũ, động viên, giúp học sinh hòa mình vào hoạt động, phong trào. Nhờ đó, đoàn viên, thanh niên Trường PTDT Nội trú tỉnh đã sớm bước qua sự ngại ngần, bỡ ngỡ.
Bí thư Đoàn trường PTDT Nội trú tỉnh Nguyễn Bảo cho biết: “Từ chỉ thực hiện hoạt động, phong trào do đoàn trường xây dựng, hiện nay, đoàn viên, thanh niên các chi đoàn học sinh đã xây dựng được các công trình, phần việc tình nguyện riêng. Vì thế, đối với đoàn viên, thanh niên của trường, chỉ tiêu 5 ngày tình nguyện không quá sức”.
Cũng như Đoàn trường THPT Cửa Tùng và Đoàn trường PTDT Nội trú tỉnh, ngay từ đầu năm học, 33 đoàn trường học khác trên địa bàn đã lên kế hoạch, xây dựng giải pháp giúp mỗi đoàn viên, thanh niên đạt chỉ tiêu tham gia ít nhất 5 ngày tình nguyện/năm. Theo đó, các đoàn trường xác định, phải triển khai đầy đủ, sâu rộng các hoạt động do đoàn cấp trên phát động và chủ động xây dựng hoạt động, phong trào phù hợp với đặc điểm, tình hình. Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, 35/35 đoàn trường học trong tỉnh đều sớm phân hoạt động tình nguyện nói chung thành tình nguyện ngắn hạn, tình nguyện trung hạn và tình nguyện dài hạn. Trong đó, tất cả hoạt động tình nguyện ngắn hạn đều được quy đổi tương đương là 1 ngày tình nguyện; hoạt động tình nguyện trung hạn và hoạt động tình nguyện dài hạn được quy đổi số ngày tình nguyện dựa trên số ngày thực tế mà tình nguyện viên tham gia. Trong hoạt động tình nguyện, việc phát huy nội lực của đoàn viên, thanh niên được đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, việc theo dõi, tổng hợp số ngày tham gia tình nguyện của đoàn viên được đoàn các trường thực hiện ngay từ đầu năm. Thông qua ban hành hướng dẫn chi tiết cách thức tính số ngày tình nguyện trong năm của đoàn trường, đoàn viên, thanh niên có thể chủ động thời gian và lựa chọn cách thức tham gia các hoạt động đảm bảo yêu cầu đề ra. Trong năm học vừa qua, 35 đoàn trường trên địa bàn đã tổ chức 525 ngày tình nguyện với sự tham gia của gần 20.000 đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động, phong trào, chiến dịch do đoàn cấp trên phát động đều được triển khai sâu rộng như: “Hoa phượng đỏ”, “Mùa hè xanh”, “Xuân tình nguyện”, “Tình nguyện đông”, “Tiếp sức mùa thi”, “Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật đỏ”… Không những thế, nhiều đoàn trường, chi đoàn đã cho ra đời những công trình, phần việc riêng để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn; chung tay bảo vệ môi trường; hỗ trợ bạn nghèo; thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách… Ngoài hoạt động của đoàn trường, chi đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên cũng đã xây dựng những công trình, phần việc cá nhân tuy nhỏ bé, giản dị nhưng rất ý nghĩa, thiết thực.
Tuy mới áp dụng nhưng việc đưa 5 ngày tình nguyện/năm thành một trong những chỉ tiêu đánh giá đoàn viên, thanh niên đã mang lại kết quả khả quan. Từ đây, hoạt động, phong trào tình nguyện trong trường học có bước tiến vượt bậc. Về phần mình, đoàn viên, thanh niên có cơ hội hoàn thiện bản thân, được trang bị thêm hành trang để vững bước vào đời.