Bước đi 'phá băng' giữa hai đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han cho biết chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol có ý nghĩa báo hiệu rằng mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chính thức bước vào giai đoạn bình thường hóa.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang có chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản, bắt đầu từ 16/3. Chuyến thăm được cho là bước đi phá băng, đánh dấu bước ngoặt trong cải thiện mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai nước đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á sau khi hai bên giải quyết được bất đồng về bồi thường cho lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, hai bên đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), chia sẻ các thông tin liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để cùng phối hợp phản ứng. Hai bên cũng cam kết cải thiện quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ sớm nối lại các hình thức đối thoại an ninh với Hàn Quốc và thiết lập khuôn khổ đối thoại an ninh kinh tế mới trong bối cảnh khu vực tiềm ẩn bất ổn.
Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với ba nguyên liệu quan trọng được dùng để sản xuất chất bán dẫn và tấm màn hình dẻo gồm flo polyimide, chất quang dẫn và hydro florua sang Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc cam kết hủy bỏ khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hai nước cũng lên kế hoạch tiếp tục đàm phán để khôi phục lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy của nhau. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước có cơ hội mở ra chương mới trong quan hệ song phương.
Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh Nhật Bản là một đối tác mà Hàn Quốc cùng hợp tác về an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ và chương trình nghị sự toàn cầu.
Việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải thiện quan hệ với Nhật Bản được xem là chính sách nhất quán của Tổng thống Yoon Suk-yeol để thực hiện các cam kết tranh cử.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây cũng công bố quyết định bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến thông qua một quỹ do chính phủ hậu thuẫn, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp bồi thường.
Mặc dù động thái này gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Hàn Quốc, song được coi là dấu mốc mở ra triển vọng tháo gỡ cơ bản một trong những mâu thuẫn lịch sử dai dẳng nhất giữa Seoul và Tokyo.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản đã trở thành cấp thiết vì lợi ích chung và vì sự phát triển trong tương lai của cả hai nước.
Thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 6-7% tổng kim ngạch thương mại của Seoul. Đầu tư của Nhật Bản chiếm hơn 22% tổng kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hàn Quốc. Giao lưu giữa nhân dân giữa hai nước trong quá khứ hết sức năng động.
Trước đại dịch năm 2019 và trước khi quan hệ hai nước xấu đi, có tới 5,58 triệu lượt người Hàn Quốc đến Nhật Bản. Ngược lại, số người Nhật đến thăm Hàn Quốc đạt 3,27 triệu vào năm 2019. Người Nhật đang chọn Hàn Quốc là quốc gia số một mà họ muốn đến khi các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han cho biết chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol có ý nghĩa báo hiệu rằng mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chính thức bước vào giai đoạn bình thường hóa.
Đây cũng là cơ hội để hai nước thảo luận cách thức giải quyết các rào cản chính sách cản trở hợp tác kinh tế và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Trong khi đó, Trợ lý các vấn đề kinh tế của tổng thống cho rằng Hàn Quốc đã thiệt hại hơn 20.000 tỷ won (15 tỷ USD) do gián đoạn quan hệ kinh tế với Nhật Bản từ năm 2019.
Bên cạnh trụ cột kinh tế, chủ đề hợp tác an ninh chiếm một phần lớn trong chương trình nghị sự cuộc gặp giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên cũng như các phóng thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng thời gian qua, Hàn Quốc cần sự hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, củng cố liên minh 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật.
Năm 2023, trước những dự đoán về khả năng Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có nhu cầu khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA) và mở rộng hợp tác quốc phòng, trao đổi thông tin quân sự thông tin tình báo.
Cùng với đó, việc thúc đẩy liên minh Hàn-Nhật-Mỹ cũng giúp tăng cường sự hợp tác của các bên trong Liên minh Chip 4 và các cơ chế an ninh kinh tế do Mỹ đứng đầu.
Việc đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu ngày càng trở thành thách thức lớn hơn trong bối cảnh địa chính trị biến động phức tạp hiện nay. Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc năm 2019 tác động mạnh đến hai ngành công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc. Vì vậy, quan hệ Hàn-Nhật khi được khai thông sẽ góp phần giúp hai nước củng cố vững chắc hơn chuỗi cung ứng của nhau.
Hợp tác chính sách trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng được cho là lý do đưa hai nước láng giềng Đông Bắc Á xích lại gần nhau. Hàn Quốc đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với quan điểm chia sẻ các giá trị phổ quát, vì tự do, hòa bình và thịnh vượng.
Qua đó, việc khai thông quan hệ với Nhật Bản có thể tạo ra bước đột phá cho Hàn Quốc trong quá trình triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mở đường để phối hợp chính sách và tầm nhìn chiến lược của liên minh ba nước Hàn-Mỹ-Nhật đối với khu vực rộng lớn và có vị trí địa chính trị chiến lược này.
Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Tokyo đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang được khôi phục sau nhiều năm căng thẳng do các vấn đề trong lịch sử. Bản thân chuyến đi mang tính biểu tượng vì đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản sau gần 12 năm.
Các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và mối liên minh chặt chẽ với Mỹ cho thấy triển vọng khả quan về việc thúc đẩy quan hệ song phương Hàn-Nhật trong thời gian tới./.