Bước đi thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch, và nghiêm túc của Việt Nam về quyền con người
Việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Với chính sách nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) qua cả 3 chu kỳ đến nay. Điều này cũng được Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đặc biệt nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn về dự thảo lần hai Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III của Việt Nam vừa qua.
Diễn ra đúng Ngày Nhân quyền Thế giới (10/12), Hội thảo tham vấn về dự thảo lần hai Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III đã thể hiện thông điệp rõ ràng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, chính sách, cam kết nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước, được thể hiện rõ qua tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua cũng như trong ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, Việt Nam đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tầm nhìn đó một lần nữa khẳng định những cam kết của toàn hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển đất nước, quyết tâm mạnh mẽ trong tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền với chính sách lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, vì tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đi đôi với phát triển bền vững, bao trùm nhằm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Chủ trương này cũng được phản ánh trong một phát biểu gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng: "Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất".
Thật vậy, yếu tố con người luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên trên hết trong mọi quyết sách, bao gồm cả ứng phó với đại dịch.
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020 và dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021.
Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững.
Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực đóng góp bảo vệ những giá trị quyền con người phổ quát thông qua việc tham gia đóng góp vào các nội dung lớn mà các cơ chế, tổ chức quốc tế đa phương đang thảo luận, xem xét.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định việc Việt Nam tích cực đóng góp với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện mong muốn thúc đẩy quyền được sống trong hòa bình, trong phát triển ổn định của mỗi người dân trên thế giới.
"Đó là những hành động cụ thể nhất mà Việt Nam đã triển khai, vừa đóng góp vào việc bảo vệ quyền con người trên thế giới, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, cũng là trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua", Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Hướng tới xây dựng một bản Báo cáo toàn diện nhất
Có thể nói, việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị UPR đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người, chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân ở Việt Nam.
Tại Phiên thông qua Báo cáo UPR Chu kỳ III tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 7/2019, Việt Nam đã chấp thuận 241/291 khuyến nghị, đạt 83%. Quyết định số 1975/QĐ-TTg năm 2019 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế UPR chu kỳ III của HĐNQ LHQ đã xác định nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ nhằm cập nhật tiến độ thực hiện các khuyến nghị, từ đó xác định từ sớm những vấn đề cần ưu tiên xử lý, những khó khăn thách thức đặt ra và đề ra giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất các khuyến nghị UPR, trước khi hướng tới xây dựng Báo cáo Quốc gia theo Chu kỳ IV (dự kiến năm 2024).
Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia xây dựng báo cáo này (tính đến ngày 7/9/2021, có 79 quốc gia ít nhất một lần nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện) và dự kiến nằm trong 20 nước đầu tiên trên thế giới nộp báo cáo giữa kỳ tự nguyện cho chu kỳ III.
Điều này thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốcnhiệm kỳ 2023-2025.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, đây là cơ hội để rà soát, đánh giá lại tất cả chính sách, chủ trương, đường lối và quá trình thực hiện các chính sách. Quá trình rà soát có thể rút ra được những điều chỉnh chính sách phù hợp, nhằm bảo đảm tất cả người dân được bảo đảm các quyền được sống, học tập, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Trong quá trình xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức một số tọa đàm quốc tế với sự tham gia của các đại diện các bộ, ngành, các học giả, các đối tác quốc tế để chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021.
Đặc biệt, với ý nghĩa quan trọng, Báo cáo này cũng nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị tham gia đóng góp để có một bản Báo cáo rà soát tổng thể nhất, toàn diện nhất và qua đó đưa ra những khuyến nghị lên Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những điều chỉnh, thay đổi và quan trọng nhất là thực hiện tốt hơn nữa những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước để bảo vệ quyền con người.
Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III là bước đi hoàn toàn đúng đắn, cụ thể, truyền đi thông điệp một cách rõ ràng và mạnh mẽ về chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.