Bước điều chỉnh chiến lược & tổn hại ngoài mong muốn
Các cuộc đàm phán bí mật
6 tháng đàm phán trong điều kiện bí mật để một ngày giữa tháng 9, lần lượt Mỹ, Australia rồi Anh cho nổ “quả bom” chấn động, công khai một thỏa thuận an ninh tay ba Mỹ, Anh và Australia, gọi là AUKUS (viết tắt những chữ cái đầu tên của 3 nước). Theo thỏa thuận này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và năng lực triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, giúp cho nước này có một hạm đội tàu ngầm hạt nhân (không trang bị vũ khí hạt nhân).
Cần nhớ rằng người Mỹ chưa bao giờ chia sẻ loại công nghệ cực kỳ nhạy cảm này cho bất cứ nước nào ngoài Anh (từ năm 1958) và thỏa thuận chia sẻ cũng đã chấm dứt ngay sau đó vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 6 quốc gia có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Những tiết lộ sau khi thỏa thuận này được công khai cho thấy ba nước Mỹ, Anh và Australia đã ấp ủ kế hoạch về việc đạt được một thỏa thuận an ninh ba bên từ hơn một năm trước đây, bắt đầu bằng các cuộc thảo luận bí mật giữa Anh và Australia. Từ khi ông Biden vào Nhà trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, quá trình đàm phán có sự tham gia của Mỹ tăng tốc, tuy nhiên được giữ trong vòng bí mật tuyệt đối bởi lo ngại việc rò rỉ tin tức về các cuộc đàm phán có thể làm hỏng kế hoạch.
Điều đó giải thích lý do vì sao Pháp, một đồng minh thân cận của Mỹ, đồng thời là nước năm 2016 đã ký với Australia một hợp đồng đóng 12 tàu ngầm tấn công Barracuda chạy bằng động cơ diesel trị giá 40 tỷ USD, đã không hề biết gì về các cuộc thảo luận này. Cho đến Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Cornwall (Anh) vào tháng 6-2021, nơi có mặt cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vấn đề này cũng chỉ được bàn thảo trong các cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo 3 nước Mỹ, Anh và Australia; ông Emmanuel Macron đóng vai một người hoàn toàn ngoài cuộc.
Vài ngày sau cuộc họp Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc gặp với ông Emmanuel Macron tại thủ đô Paris và theo lời ông Morrison, trong cuộc gặp này, ông đã bày tỏ thẳng thắn với nhà lãnh đạo Pháp “những vấn đề rất thực tế” về việc liệu các tàu ngầm thông thường (trong thỏa thuận giữa Pháp với Australia) có phù hợp với môi trường chiến lược đang thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không?
Ở cuộc gặp báo chí sau khi hội đàm với ông Macron, ông Morrison cũng tuyên bố “không loại trừ khả năng (Australia) rời bỏ dự án khi hai bên đi tới giai đoạn tiếp theo trong hợp đồng (về việc Paris cung cấp công nghệ tàu ngầm diesel cho Canberra)”. Không rõ Tổng thống Pháp tiếp nhận những thông điệp đó từ phía Australia ra sao nhưng ông Macron tuyên bố rằng các tàu ngầm do Pháp chuyển giao (cho Australia) sẽ “củng cố vị thế và đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền, quyền tự chủ chiến lược của Australia”. Không có bất cứ một dấu hiệu lo ngại nào trong các tuyên bố của Tổng thống Pháp ở vào thời điểm ấy.
Mối lo ngại của Trung Quốc
Vì sao AUKUS lại xuất hiện đúng vào thời điểm hiện tại?
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phần nào trả lời câu hỏi này khi cáo buộc ba bên tham gia thỏa thuận AUKUS mang tư duy kiểu “Chiến tranh lạnh”, “tìm cách gây mất ổn định khu vực, phá hoại những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”. Ông Triệu cũng nhấn mạnh rằng những thỏa thuận như AUKUS mâu thuẫn với tinh thần của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và những thỏa thuận quốc tế có liên quan.
Những phát biểu này cho thấy sự lo ngại rõ rệt của Trung Quốc trước AUKUS (và cả những thỏa thuận tương tự có khả năng xuất hiện trong tương lai). Với thỏa thuận này, Australia sẽ được Mỹ và Anh chia sẻ công nghệ hạt nhân, trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới có hạm đội tàu ngầm hạt nhân trong tương lai. Sự xuất hiện của hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia trên Thái Bình Dương đương nhiên sẽ là một thách thức với hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ở khu vực này.
Mặt khác, phản ứng mạnh, gay gắt của Trung Quốc trước sự ra đời của AUKUS cho thấy Bắc Kinh cũng nhận rõ nguy cơ đang ngày càng lớn hiển hiện trước mắt là Mỹ đang tập hợp các liên minh.
Cần lưu ý một điều là 2 trong số 3 thành viên của AUKUS, Mỹ và Australia, đồng thời cũng là thành viên của nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Cơ cấu nhóm Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự mà chỉ được coi như một nhóm 4 nước có cùng mối quan tâm và lợi ích liên quan đến đủ mọi vấn đề như an ninh hàng hải, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, an ninh mạng, sản xuất vaccine phòng Covid-19, biến đổi khí hậu... Sự hình thành AUKUS như là một sự bổ sung về mặt hợp tác quốc phòng cho nhóm Bộ tứ và đương nhiên, sẽ tạo ra sự thay đổi cấu trúc an ninh không chỉ của châu Á mà có thể trên phạm vi toàn cầu.
Vị thế bên lề của Pháp và châu Âu!
Không khó gì để nhận ra sự xuất hiện đột ngột của AUKUS là một chỉ dấu khẳng định điều mà thế giới đã chứng kiến trong gần một năm qua, kể từ khi ông Biden vào Nhà trắng: ông Biden đặt cược cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thông qua xây dựng các liên minh, các mối quan hệ tương hỗ với nhiều đối tác khác nhau.
Nói cách khác, ông Biden chú trọng đầu tư vào xây dựng chiến lược dài hạn trong việc duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đảm bảo để Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tại khu vực trọng yếu này của thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc phục hồi những mối quan hệ đồng minh của Mỹ, ông Biden chú trọng vào việc xây dựng các liên minh, các quan hệ đối tác mới.
Mỹ sẵn sàng huy động mọi sức mạnh để thiết lập các rào cản mới, tìm kiếm các liên minh mới, các khuôn khổ hợp tác mới, kể cả trong phạm vi quy mô nhỏ, tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu, thực chất, chấp nhận những tổn hại có thể có khi những cơ chế hợp tác mới như vậy hình thành.
Trong trường hợp AUKUS xung đột Pháp và Australia là “tổn thất” bên lề, ngoài mong muốn (của Mỹ). Có thể hiểu được nguyên do Paris sục sôi phẫn nộ khi tố Mỹ “đâm sau lưng”, bày tỏ giận dữ trước việc Australia che giấu các cuộc đàm phán dẫn tới một thỏa thuận thay thế cho hợp đồng mua tàu ngầm ký với Pháp năm 2016. Ở thời điểm đó, do xu hướng tâm lý chống hạt nhân ở người dân Australia đang tăng, Canbera đã lựa chọn tàu ngầm Barracuda động cơ diesel của Pháp với lý do có thể chuyển đổi sang động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nay thì Australia tuyên bố thay thế hợp đồng với Pháp với lập luận rằng hợp đồng này không cung cấp công nghệ đủ để nước này có hạm đội tàu ngầm hạt nhân!
Còn Pháp thì ngoài việc một hợp đồng vài chục tỷ USD bỗng dưng “bốc hơi” (có thể nhận được sự đền bù từ Australia nhưng chưa biết bao nhiêu), Paris có lý do để tức giận vì đã bị “qua mặt” bởi hai ông bạn đồng minh, chỉ đóng vai trò “chầu rìa” trong một thỏa thuận hợp tác quốc phòng liên quan đến chính mình. Nó cho thấy vị thế yếu kém của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Mỹ đã không đặt cược vào Pháp và EU trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, một phần cũng bởi trong nhiều thập kỷ, Pháp đã tìm cách phát triển các công nghệ độc lập nhằm đưa ra những thay thế cho các nền tảng công nghệ của Mỹ, đồng thời sử dụng mọi cơ hội có được để hối thúc châu Âu phát triển khả năng “tự chủ chiến lược”, không phụ thuộc vào Mỹ.
Đầu năm 2022, Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch EU, một vị thế có thể mang lại cho Paris những tác động nhất định nào đó đối với chương trình nghị sự của khối này và những khúc mắc của Pháp với Mỹ chung quanh AUKUS có thể biến thành vấn đề chung của Mỹ với cả khối EU. Tuy nhiên, do vai trò bao trùm của Mỹ đối với an ninh chung châu Âu, Pháp sẽ khó đi xa hơn trong phản ứng với Mỹ, ngoài việc triệu hồi đại sứ tại Mỹ về tham vấn.