Bước đột phá của Việt Nam trong cam kết giảm phát thải

Theo lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam hướng tới giảm 43,1% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030.

Các giải pháp cắt giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu là hai chủ đề được các đại biểu thảo luận trong hội thảo tham vấn dự thảo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, diễn ra tại Hà Nội sáng 26/4.

Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức.

“Việc đẩy mạnh các hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là điều thực sự quan trọng, đặc biệt ở quốc gia dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu như Việt Nam”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo.

Phương án giảm phát thải

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, cơ quan soạn thảo đã xem xét ba phương án trong việc cắt giảm lượng khí thải tới năm 2050.

Khác biệt lớn nhất giữa phương án thứ nhất và phương án thứ hai là tỷ lệ năng lượng mặt trời trong tổng nguồn cung năng lượng đến năm 2050, lần lượt là 33,2% và 5%. Trong khi đó, mô hình thứ ba gần tương tự với mô hình thứ hai, nhưng có sử dụng năng lượng hạt nhân.

Theo phương án thứ hai, sau năm 2035, Việt Nam có thể áp dụng rộng rãi công nghệ sản xuất hydro từ năng lượng gió. Dù vậy, do tỷ trọng năng lượng hóa thạch lớn hơn, Việt Nam sẽ cần có các biện pháp thu hồi và lưu trữ carbon, dẫn tới giá thành cao hơn.

 Quang cảnh buổi hội thảo sáng 26/4. Ảnh: UNDP.

Quang cảnh buổi hội thảo sáng 26/4. Ảnh: UNDP.

Mô hình thứ nhất có chi phí thấp hơn, nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn để lắp đặt pin điện mặt trời và không chỉ rõ mức giảm phát thải theo từng biện pháp. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chủ trương phát triển điện hạt nhân theo mô hình thứ ba.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá ba phương án, chúng tôi đề xuất sử dụng phương án hai”, ông Tấn nói. “Hướng đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ giảm 43,1% so với phát thải trong điều kiện thông thường”.

Theo ông Tấn, đây là một bước đột phá khi cam kết này của Việt Nam vào năm 2015 và 2020 chỉ lần lượt ở mức 25% và 27%.

Các đại biểu tại hội thảo cũng nhận định việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng mới là điều cần thiết để giảm phát thải carbon.

“Chúng tôi tin tưởng vào các công nghệ mới như hydro xanh và đã khởi động tham vấn với Bộ Khoa học và Công nghệ về hydro”, Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro nói. “Chúng tôi vui mừng nhận thấy công nghệ hydro đã được đề cập tới trong chiến lược này”.

Bên cạnh đó, đánh giá về hạn chế trong thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2020, ông Tấn chỉ ra nguồn lực chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước và một phần huy động từ hỗ trợ quốc tế, chưa có sự tham gia nhiều của khu vực tư nhân.

Theo bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP), nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân là có, nhưng vẫn đang vấp phải một số rào cản.

“Chúng ta phải xem đâu là những rào cản khiến chúng ta chưa thể tiếp cận, chưa thu hút được các nguồn lực tư nhân”, bà Jarvenpaa nói. “Đâu là sự ‘cởi bỏ’ cần thiết để chúng ta có thể huy động được nguồn vốn tư nhân nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi trong ngành năng lượng?”.

Vai trò của phụ nữ

Bên cạnh đó, hội thảo cũng bàn tới các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Tấn cho biết sáu nhóm giải pháp đã được đưa ra để thực hiện mục tiêu này, cả về tài nguyên, nông nghiệp, bảo vệ rừng, cơ sở hạ tầng, y tế, an sinh xã hội và bình đẳng giới.

Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), cần có sự cân bằng giữa xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải carbon trong nền kinh tế.

“Chúng ta cũng cần đánh giá tác động với cộng đồng khi triển khai các chương trình khác nhau”, đại diện WB nhận định. “Khi đưa ra một chính sách nào đó, sẽ có bên được và bên mất”.

 Các đại biểu tại hội thảo đưa ra khuyến nghị về cách thức giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: UNDP.

Các đại biểu tại hội thảo đưa ra khuyến nghị về cách thức giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: UNDP.

“Công nhân trong những ngành nghề phát thải nhiều carbon có thể chịu tác động nặng nề. Do đó, họ cần được bồi thường và đào tạo lại để có thể có cơ hội có công việc năng suất cao ở lĩnh vực xanh”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Một số đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo bà Trần Thị Thúy Anh, cán bộ chương trình của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu và bình đẳng giới không phải là hai vấn đề hoàn toàn tách rời.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan chặt chẽ giữa bình đẳng giới và biến đổi khí hậu”, bà Thúy Anh cho biết. “Biến đổi khí hậu đã và đang làm tăng thêm các bất bình đẳng xã hội hiện có”.

Ngược lại, theo bà Thúy Anh, các chính sách và chương trình về biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để thu hẹp bất bình đẳng nếu tính đến tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực của các giới, các nhóm dân cư khác nhau.

Trong khi đó, theo bà Hoàng Thanh Hà, cán bộ GIZ, nếu chiến lược của Việt Nam mang tính bao trùm và toàn diện, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn hỗ trợ quốc tế.

“Cho tới nay, vấn đề giới chưa được xem xét đầy đủ, toàn diện trong các chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu”, bà Hà nói. “Phụ nữ không nên chỉ được nhìn nhận là đối tượng dễ bị tổn thương, mà phải là một chủ thể chủ động, tích cực tham gia vào các hành động thích ứng và giảm nhẹ (tác động của biến đổi khí hậu - PV)".

Đồng quan điểm, bà Jarvenpaa nhận định sự tham gia của phụ nữ là điều cần có trong mọi khâu của việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trên mọi phương diện, từ lập kế hoạch tới triển khai”, bà nhận định.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-dot-pha-cua-viet-nam-trong-cam-ket-giam-phat-thai-post1312296.html