Bước đột phá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL hướng dẫn việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 từ ngày 25 đến 28-6. Điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay là môn Ngoại ngữ sẽ trở thành môn thi tự chọn thay vì là môn thi bắt buộc như những năm trước.
Cụ thể, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trong 3 buổi, 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi cho bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn). Như vậy, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn.
Đây là thay đổi nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo phụ huynh cũng như học sinh và dư luận trong cả nước. Trước hết, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh yên tâm tổ chức dạy và học. Hơn nữa, phương án mới này hướng tới lợi ích học sinh, vì giáo viên, vì nhà trường do nó tạo ra nhiều tổ hợp, học sinh nào nhận thấy mình có thế mạnh, ưu điểm vượt trội ở bộ môn, tổ hợp nào thì các em có thể rộng đường lựa chọn. Môn nào cũng được tổ chức dạy học và thi chỉ khác nhau giữa lựa chọn hay bắt buộc và có đánh giá hay không. Quan trọng hơn là quy định mới này hướng tới việc đảm bảo sự cân bằng về số lượng môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng như hướng tới nền giáo dục thực học và thực tiễn, không phải học để đối phó và học chỉ để thi.
Một lý do nữa dẫn đến việc nhiều ý kiến ủng hộ là quy định trên đây không những gọn nhẹ, mà còn giúp giảm chi phí và giảm áp lực thi cử trong xã hội. Đặc biệt, quy định mới còn tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù vậy, trong dư luận xã hội cũng như cộng đồng mạng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn rằng, nếu Ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT thì liệu có làm giảm chất lượng dạy và học môn này hay có đi ngược lại với xu hướng trên thế giới? Thậm chí có cư dân mạng còn mạnh dạn đặt câu hỏi rằng, khi Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, liệu có ảnh hưởng tới quá trình tạo động lực thúc đẩy học sinh học tốt môn này?
Ngoài ra, còn một số ý kiến lo ngại có nhiều học sinh trước nay không có thế mạnh về học ngoại ngữ sẽ không chú trọng vào môn học này nữa. Vì đã nhiều năm qua, ngoại ngữ nằm trong số những môn “phải thi” đã trở thành một trong những biện pháp mạnh mẽ cho phát triển dạy và học ngoại ngữ trong nhiều nhà trường. Tuy nhiên, những ý kiến băn khoăn trên đây đều xuất phát từ tư duy chủ quan, không xuất phát từ thực tế. Bởi, dù không là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng ngoại ngữ từ nhiều năm nay là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học. Do đó, kết quả học tập môn Ngoại ngữ không hoàn toàn phụ thuộc vào việc có là môn thi bắt buộc hay không trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, càng không phải cứ thi là năng lực ngoại ngữ của học sinh sẽ tăng lên.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên lo ngại việc học sinh bỏ bê môn Ngoại ngữ, bởi hầu hết trường đại học đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển, hoặc xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp. Vì thế, học sinh muốn xét tuyển đại học thì bắt buộc phải học và thi môn Ngoại ngữ. Và với việc có 2 môn tự chọn trong các môn còn lại sẽ giúp học sinh tập trung vào tổ hợp xét tuyển đại học mà mình mong muốn. Do đó, cơ hội vào đại học đối với các thí sinh sẽ cao hơn.