Bước lùi vào vô định

Cho dù đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định rằng những động thái đưa các nhà máy điện than trở lại hoạt động chỉ là 'biện pháp khẩn cấp ngắn hạn không gây tổn hại đến các mục tiêu khí hậu', thì những gì đang diễn ra chung quanh lời trấn an ấy vẫn đang thực sự khiến các nhà hoạt động môi trường quốc tế phải lo lắng. Cả một đại kế hoạch chống chọi với tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu, thực tế, đã và đang trở lại thành những ước vọng mong manh.

Mùa hè khắc nghiệt

Ngày 18-7, Trung tâm Nghiên cứu chung (JRS) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) công bố một kết quả nghiên cứu khoa học, theo đó, trong tháng 7 này, gần 50% diện tích lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh có nguy cơ rơi vào tình trạng hạn hán.

Cụ thể, theo báo cáo này, hiện 44% diện tích lãnh thổ EU và Anh đang được cảnh báo về nguy cơ hạn hán và 9% đang trong tình trạng báo động về hạn hán. Các đợt nắng nóng đến sớm vào tháng 5 và 6 vừa qua lại càng khiến lượng nước mưa vào mùa đông và xuân tại EU và Anh giảm. Lượng nước dự trữ đang cạn kiệt và lượng nước sông cũng bị ảnh hưởng trên khắp châu Âu.

Đa dạng hóa nguồn cung khí đốt là bài toán hóc búa đối với EU.

Đa dạng hóa nguồn cung khí đốt là bài toán hóc búa đối với EU.

Điều này, hiển nhiên, khiến một số quốc gia như Italy, Pháp, Đức, Hungary, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang thiếu nước tưới cho cây trồng. Song, quan trọng hơn, tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò cần thiết cho hoạt động sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện. Theo báo cáo từ JRS, hoạt động sản xuất năng lượng của nhà máy thủy điện tại nhiều nước châu Âu đến đầu tháng 7 này thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2021.

Trước đó, đợt nắng nóng khắc nghiệt kéo dài tại châu Âu cũng làm gia tăng nạn cháy rừng ở nhiều nước, khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Lực lượng cứu hỏa ở Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... đã phải làm việc suốt ngày đêm, nhằm nỗ lực khống chế những đám cháy. Hơn 345.000 ha rừng đã bị thiêu rụi ở châu Âu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 16-7-2022. Con số này gấp hơn 2 lần mức trung bình trong cùng giai đoạn 2006-2021.

Tại nước Anh, ngày 18-7, một đoạn đường băng ở sân bay Lutin (thủ đô London) đã bị nung chảy dưới ánh nắng gay gắt, khiến 14 chuyến bay dự kiến hạ cánh tại đây phải thay đổi điểm đến. Và, trong vòng một tuần (từ ngày 10 đến 17-7), hơn 1.000 người đã tử vong, do nắng nóng vượt quá mức chịu đựng của cơ thể.

Sự trở lại của năng lượng hóa thạch sẽ đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sự trở lại của năng lượng hóa thạch sẽ đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những vận động ngược chiều

Một cách ngắn gọn, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối diện với hai vận động tương hỗ: Tình trạng biến đổi khí hậu, ngay trong mùa hè này, đang diễn biến ngày càng trở nên khắc nghiệt. Trong khi đó, do những ảnh hưởng bất khả kháng từ cục diện địa chính trị và xung đột quân sự, đến cả những quốc gia từng đặt mục tiêu “xanh hóa năng lượng” quyết liệt như Đức cũng phải chấp nhận thỏa hiệp, để tạm thời trở lại với năng lượng hóa thạch.

Có thể hiểu được nỗi thất vọng của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz, khi ông than thở tại Đối thoại khí hậu Petersberg (do Đức và Ai Cập đồng chủ trì, tổ chức tại Berlin): "Không ai có thể hài lòng với thực tế là hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu than đang gia tăng trở lại ở Đức". Điện than, thậm chí là cả điện hạt nhân, đã được nước Đức lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn nhằm đáp ứng các cam kết về chống biến đổi khí hậu, với mục tiêu ngăn chặn nền nhiệt tăng thêm 1,5 độ C vào quãng năm 2035-2050. Những kế hoạch này đã không chỉ được khởi động, mà còn được thực hiện hết sức khẩn trương, gấp rút.

Song, hiện tại, khi cuộc xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine “không được ấn định khung thời gian cụ thể” - như tuyên bố của Điện Kremlin ngày 18-7, với những hệ lụy trầm trọng về sự đứt gãy chuỗi cung ứng khí đốt, trong bối cảnh nước Đức nói riêng và EU nói chung đều sẽ còn mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho mình các biện pháp thay thế, mọi chương trình “phủ sóng năng lượng sạch” đều bị đình trệ. Cộng hưởng với thực trạng đó, các hệ thống thủy điện ở châu Âu cũng đang chỉ còn có thể hoạt động cầm chừng, như đã đề cập ở phần trên.

Không chỉ Đức, từ tháng trước, cả Hà Lan và Áo đều phải tuyên bố từng bước hồi sinh than đá, nhằm tự cứu mình giữa “bão khủng hoảng năng lượng”. Danh sách này có thể sẽ còn “được” kéo dài thêm, tỷ lệ thuận với diễn tiến của những cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine. Dĩ nhiên, thật khó để trách móc những quyết định như thế, cũng như khó có thể đồng ý với quan điểm đang được truyền thông phương Tây đưa ra, rằng chính hành động của nước Nga là tác nhân tạo nên cả khủng hoảng năng lượng lẫn biến đổi khí hậu.

Một dòng sông khô hạn ở miền Bắc Italy.

Một dòng sông khô hạn ở miền Bắc Italy.

Xét cho cùng, mục tiêu tối thượng của mọi quốc gia đều là lợi ích cốt lõi của chính họ. Do đó, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm về các kế hoạch của mình. Từ khía cạnh này, chỉ những cam kết ở các kỳ Hội nghị thượng đỉnh Chống biến đổi khí hậu toàn cầu (COP) gần đây là thua thiệt, khi bắt buộc phải đóng vai trò “vật tế thần”.

“Cửa thoát hiểm” hẹp

Hiện tại, như Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Tất cả những gì chúng tôi làm ngày nay là để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt phù hợp với mục tiêu trung hòa khí carbon ở Đức và trên toàn thế giới trong tương lai”, nước Đức và châu Âu vẫn cố gắng để không tạo ra sự phụ thuộc lâu dài nào vào các nguồn năng lượng hóa thạch, qua đó duy trì những nỗ lực hoàn thành các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vấn đề là, luôn có khoảng cách rất lớn từ quyết tâm đến hiện thực. Đơn cử, ngày 18-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã lên đường tới thủ đô Baku của Azerbaijan, nhằm thiết lập một sự liên kết mới mang tên "Quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng”. Theo đó, EU và Azerbaijan đã ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ quốc gia giàu năng lượng tại khu vực biển Caspi này vào châu Âu. Hai bên cũng nhất trí mở rộng “Hành lang khí đốt phía Nam” chạy qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm nâng công suất lên 20 tỉ m3/năm trong vài năm tới.

Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng lượng khí đốt mà thị trường EU nhận được từ nguồn cung Nga lên tới 155 tỉ m3, chiếm khoảng 40% nhu cầu của liên minh này. Còn năm ngoái, lượng khí đốt mà Azerbaijan cung ứng cho EU là... 8,1 tỉ m3. Đặt những con số này cạnh nhau, bất cứ ai cũng hình dung được việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho cựu lục địa là một bài toán hóc búa đến mức độ nào, nhất là trong tình cảnh “sức ép tứ bề” hiện tại.

EU thậm chí còn sớm dự kiến sẽ công bố một chương trình đặc biệt, nhằm “Hành động ngay bây giờ, để có thể làm giảm tác động của việc đột ngột bị gián đoạn 1/3 lượng cung cấp". Theo đó, ước tính, việc cắt giảm hệ thống sưởi hoặc làm mát các tòa nhà sẽ giúp tiết kiệm khoảng 11 tỉ m3 khí đốt tự nhiên, từ 4-40 tỉ m3 khí đốt sẽ được tiết kiệm từ việc giảm nhu cầu điện và việc giảm sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sẽ giúp tiết kiệm thêm khoảng 10-11 tỉ m3 khí đốt.

Ngoài ra, EC nhấn mạnh có thể tiết kiệm đáng kể bằng cách triển khai các nguồn nhiệt thay thế cho hệ thống sưởi đô thị, các máy sưởi tại các gia đình. EC cũng kêu gọi các chiến dịch truyền thông để khuyến khích các hộ gia đình hạ bớt 1 độ C trong mùa đông này. Những đề xuất này sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng châu Âu vào ngày 26-7 tại Brussels.

Nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung, như vậy, đều không có nhiều lựa chọn. Họ buộc phải quay lại với các nguồn nhiên liệu hóa thạch - một bước lùi đích thực, nhưng bất khả kháng, nhằm bảo đảm an toàn cho cơ cấu kinh tế - xã hội của mình, bảo đảm quyền lợi cho các công dân của mình. Và, nhiều khả năng, họ sẽ phải gắn chặt với điểm lùi ấy trong một thời gian khá dài, mà chưa ai dám chắc bao giờ mới kết thúc, đủ để các hiệu ứng khí hậu tiêu cực diễn biến thêm trầm trọng.

Một bước lùi vào vô định, cho tương lai của cả “Hành tinh xanh”...

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/buoc-lui-vao-vo-dinh-i661566/