Bước ngoặt khi rót vốn vào Nanogen của nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc
Diễn biến bất ngờ với sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể ý tưởng đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Nanogen, công ty đang có hy vọng trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất vắc xin Covid-19 thành công tại Việt Nam.
Giữa năm 2019, nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót tiền mua cổ phần của Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen, qua đó nâng tỷ lệ vốn ngoại tại công ty này lên 25,7%. Báo cáo của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam – một trong những nhà đầu tư tham gia vào đợt mua cổ phần này ghi nhận công ty đã chi ra hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần Nanogen, tương đương định giá công ty ở mức khoảng 5.100 tỷ đồng. Con số này cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào mua cổ phần Nanogen bao gồm các quỹ đầu tư như STIC, HB Growth, Công ty chứng khoán KIS và đặc biệt là có cả doanh nghiệp trong ngành dược như Next Science.
Ban đầu, các nhà đầu tư Hàn Quốc nhìn thấy tiềm năng sản xuất dược phẩm với các sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học đặc trị của Nanogen. Theo Next Science, việc đầu tư vào Nanogen nhằm phát triển các loại thuốc nhiễm trùng huyết, viêm gan B, các loại cúm nguy cơ cao, thực phẩm chức năng...
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ với sự xuất hiện của dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 đã làm thay đổi đáng kể ý tưởng đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Nanogen chuyển hướng sang dồn lực vào phát triển Vắc xin và đang tràn trề hy vọng trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất vắc xin Covid-19 thành công tại Việt Nam.
Trong 3 công ty đang nghiên cứu vắc xin của Việt Nam là Ivac, Vabiotech, Nanogen thì Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 và đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3 trên quy mô lớn. Các chuyên gia kỳ vọng vắc xin Nanocovax có thể hoàn thành thử nghiệm vào quý 3 năm nay trước khi được cấp phép sản xuất và tiêm chủng.
Cơ hội trở thành nhà sản xuất vắc xin Covid-19 cho thị trường quy mô 100 triệu dân tại Việt Nam chắc chắn sẽ tác động đáng kể tới định giá của Nanogen giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc được hưởng lợi lớn.
Tháng 3 năm nay, Nanogen tiếp tục tăng vốn từ 715 tỷ đồng lên 806 tỷ đồng với sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới nhưng không được tiết lộ. Các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia đợt tăng vốn này, kéo theo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Nanogen giảm xuống còn 22,7%; tỷ lệ nhà đầu tư trong nước tăng lên 77,2%.
Mới đây truyền thông đưa tin, dự án vắc xin của Nanocovax tiếp tục nhận được đầu tư hàng trăm triệu USD từ một tập đoàn tư nhân trong nước. Khoản tài trợ này nhằm thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin nội giai đoạn thử nghiệm thứ 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để được phê duyệt sử dụng cho toàn dân.
Được thành lập năm 1997, Nanogen tự giới thiệu là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên tại Việt Nam. Thành tựu chính của doanh nghiệp này đến từ việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Hồ Nhân. Lớn lên ở New York, ông Nhân lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona. Ngoài kiến lĩnh vực công nghệ sinh học, ông Hồ Nhân còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như từng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) trong giai đoạn 2013-2016. Theo tạp chí Forbes, nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hong Kong.
Năm 2010, Nanogen vấp phải vụ kiện của tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo họ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và siêu vi C năm 2010. Khi đó, ông Nhân khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche. Trong khi đó, với cùng chức năng điều trị nhưng thuốc tiêm Pegnano của Nanogen có giá bán chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập.