Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Đức khi gửi vũ khí cho Ukraine
Sự kiện Đức quyết định gửi vũ khí chống tăng và tên lửa đất đối không cho Ukraine đã đánh dấu chuyển biến mang tính lịch sử của quốc gia này trong chính sách đối ngoại hậu Chiến tranh Thế giới thứ II.
“Một thực tế mới”, hãng tin AP dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước phiên họp đặc biệt của quốc hội diễn ra ngày 27/2. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh chiến sự ở Ukraine đang cần một phản ứng từ Đức hoàn toàn khác so với trước.
Văn phòng Thủ tướng Đức thông báo nước này sẽ chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger thẳng cho Ukraine. Bên cạnh đó, Đức cho phép chuyển 400 vũ khí chống tăng khác từ Hà Lan sang Ukraine. Đức cũng cam kết dành 100 tỷ euro cho một quỹ đặc biệt hỗ trợ lực lượng vũ trang và tăng chi tiêu quốc phòng vượt 2% GDP.
Hành động trên của Đức là ví dụ cho thấy tình hình chiến sự căng thẳng tại Ukraine đang tái định hình chính sách an ninh sau Thế chiến II của Đức.
“Cách đây vài tháng, chưa từng ai có thể nghĩ Thủ tướng Olaf Scholz lại đưa ra những lời phát biểu như vậy trong cuộc họp quốc hội”, Marcel Dirsus làm việc tại Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel cho hay.
Cho đến cuối tuần trước, chính phủ Đức vẫn từ chối chuyển bất kỳ thứ gì cho Ukraine, ngoài 5.000 chiếc mũ bảo hiểm. Thái độ chần chừ đó đã hứng nhiều chỉ trích từ các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, một loạt thông báo mới từ Văn phòng Thủ tướng Scholz vào tối 26/2 đã làm rung chuyển các quan điểm truyền thống trong chính sách của quốc gia này.
Chính sách đối ngoại của Đức từ lâu là không khuyến khích việc sử dụng vũ lực quân sự. Ngay cả khi là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Berlin có chính sách không gửi vũ khí gây chết người tới khu vực đang xảy ra xung đột. Trong khi là một đồng minh thân thiết với Mỹ và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước Đức thời hậu chiến luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moskva, dựa trên lợi ích thương mại và nhu cầu năng lượng đến từ nước này.
Giới chức Đức đã bày tỏ sự hoan nghênh trước cú xoay chuyển 180 độ trong chính sách đối ngoại của quốc gia, cho rằng điều đó là sự thích nghi cần thiết trước thực trạng bình thường mới.
“Chúng ta không thể để mặc Ukraine… Nếu thế giới đã trở nên khác biệt, thì chính sách cũng phải thay đổi theo”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh.
Bên cạnh Đức, một loạt các nước châu Âu khác bao gồm Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan tuyên bố cung cấp vũ khí và máy bay chiến đấu cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 25/2 thông báo liên minh đang triển khai hàng nghìn binh sĩ tới các nước láng giềng của Ukraine, cũng như tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine, bao gồm cả hệ thống phòng không.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/2 đã ra lệnh cho các “lực lượng răn đe” của nước này đặt trong trạng thái báo động ở mức cao nhất. Theo nhà lãnh đạo, quyết định được đưa ra do bối cảnh các nước phương Tây có những bước đi “không thiện chí” nhằm vào Moskva.
Trước đó, văn phòng công tố nhà nước LB Nga tuyên bố bất kỳ ai cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ khác cho nhà nước hoặc tổ chức quốc tế nước ngoài nhằm chống lại an ninh của Nga đều có thể bị kết tội phản quốc, đối mặt với án tù tối đa là 20 năm.
Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 5 với nhiều giao tranh căng thẳng. Theo hãng thông tấn Nga TASS, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ bắt đầu vào sáng 28/2 (giờ địa phương) gần biên giới Belarus.