Bước nhảy trước ngưỡng cửa Olympic của Jujitsu Việt Nam

Là một trong những môn thể thao mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây, Jujitsu đang chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng. Bên cạnh việc phát triển rộng, phổ biến môn võ này theo hướng xã hội hóa, Jujitsu cũng hứa hẹn trở thành mỏ vàng trong tương lai nếu môn võ này được đưa vào Olympic.

Câu chuyện của thời gian

Lịch sử hình thành và phát triển của Jujitsu gắn liền với 3 quốc gia. Người được xem như cha đẻ môn võ này là một võ sư người Nhật di cư sang Brazil từ thế kỷ trước. Nhưng phải đến khi du nhập vào Mỹ, Jujitsu mới dần được biết đến ở quy mô toàn cầu. Chính sàn đấu Võ tổng hợp (MMA) đã biến Jujitsu, từ một môn võ ít người biết đến, giờ đây được ví như vua của mọi môn võ.

Võ sĩ Phùng Thị Huệ là một thành viên của đội Jujitsu Thái Nguyên.

Võ sĩ Phùng Thị Huệ là một thành viên của đội Jujitsu Thái Nguyên.

Những ai đã dành thời gian tìm hiểu, làm quen với Jujitsu đều biết môn võ này không chỉ bao gồm những thế vật, khóa và siết cổ. Jujitsu hiện đại còn có thể thức thi đấu Fighting, với những đòn đánh khá giống với Karate. Đó là lý do giải thích tại sao những võ sĩ Jujitsu Việt Nam thường bắt nguồn từ một trong 3 môn võ: Judo, Vật và Karate.

Thể thức thi đấu đa dạng, cùng tính thực chiến cao giúp Jujitsu nhanh chóng được công chúng đón nhận. Thời gian gần đây, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã chia sẻ những hình ảnh tập luyện Jujitsu. Anh thậm chí còn tham dự một giải đấu phong trào dành cho các doanh nhân và đạt thành tích tốt. Còn tại Việt Nam, ngay cả khi hình ảnh ông chủ Facebook tập luyện võ thuật chưa xuất hiện, những lớp dạy Jujitsu đều đã kín chỗ. Nhiều câu lạc bộ võ thuật cho biết giảng viên Jujitsu của họ luôn kín lớp dạy. Đồng thời, số lượng học viên đăng ký chờ theo học Jujitsu luôn ở mức rất cao. Ai cũng muốn thử sức với môn võ này để rèn luyện sức khỏe và tự vệ.

Có một chi tiết thú vị khá ít người biết về việc học Jujitsu ở Việt Nam. Hiện tại, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khuyến khích cán bộ, nhân viên tập luyện Jujitsu bằng những chính sách hấp dẫn. Trong thời gian làm việc tại công ty, nhân viên có thể được tăng lương, hoặc nhận thưởng với số tiền không nhỏ nếu như đi học, lên cấp đai Jujitsu. Lợi ích về kinh tế dường như là một trong những nguyên nhân khiến giới nhân viên văn phòng Việt Nam tập luyện Jujitsu. Nhưng ở một góc độ nào đó, đây cũng là nguyên nhân khiến môn võ này chưa được công nhận như một môn thể thao chính thức.

Hiện tại, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn chưa công nhận tính hợp pháp của Liên đoàn Jujitsu Quốc tế (IJJF). Chia sẻ với truyền thông, ông Joachim Thumfart, Tổng thư ký IJJF khẳng định lộ trình để Jujitsu được công nhận là một môn thể thao đang gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những lý do chính khiến IOC không công nhận IJJF là bởi họ nhìn nhận tổ chức này như một doanh nghiệp kinh doanh sinh lời, chứ không phải đơn vị phát triển thể thao đơn thuần. "Đôi bên đang có những khác biệt trong quan điểm, nhưng đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ", ông Joachim Thumfart khẳng định. Jujitsu hiện đã có mặt ở World Games và ASIAD. Với lộ trình hiện tại, môn võ này có thể được công nhận chính thức là một môn thể thao Olympic vào năm 2024. Khi đó, Jujitsu có thể lập tức được đưa vào chương trình thi đấu Thế vận hội Los Angeles 2028.

Cờ đến tay Việt Nam?

Tại khu vực Đông Nam Á, Jujitsu lần đầu xuất hiện tại SEA Games 30. Trước đó 1 năm, môn võ này đã nằm trong chương trình thi đấu Á vận hội 2018. Dù là một môn võ mới, các VĐV Jujitsu Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định thành tích trên sân chơi quốc tế. Kỳ SEA Games 31 chứng kiến Jujitsu Việt Nam lần đầu có HCV do công của Phùng Thị Huệ và Đào Hồng Sơn. Đến SEA Games 32 vừa qua, Hồng Sơn bảo vệ thành công HCV. Phùng Thị Huệ đã không thể làm được điều này, nhưng không ai trách cứ võ sĩ người Thái Nguyên. Bên cạnh việc phải đôn cân để thi đấu, Phùng Thị Huệ còn phải chạm trán quá nhiều đối thủ sừng sỏ. Đó là Margarita Ochoa (Philippines) và Jessa Khan (Campuchia), 2 võ sĩ Jujitsu đạt đẳng cấp thế giới.

Không giống Việt Nam, Jujitsu từ lâu đã phát triển ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan và Singapore. Nhìn rộng ra toàn châu Á, UAE và các quốc gia Trung Á cũng có đội tuyển Jujitsu rất mạnh. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao những tấm HCV Jujitsu tại ASIAD 2018 đều bị những nước này thâu tóm. Câu chuyện về tấm HCV ASIAD môn Jujitsu của Campuchia cho thấy một hướng phát triển độc nhất vô nhị để hướng đến thành tích cao. Khi Jessa Khan mới 15 tuổi, cô đã tham dự nhiều giải Jujitsu cấp độ quốc tế. Đó cũng là lúc những người làm thể thao Campuchia biết đến sự hiện diện của một võ sĩ đẳng cấp thế giới có nguồn gốc từ xứ sở Angkor.

Khoảng cuối năm 2016, đầu 2017, Jessa Khan được mời trở lại thăm Campuchia. Cô được chào đón như một người hùng dân tộc, và đó là nguyên nhân chính khiến Jessa quyết định đầu quân cho đội tuyển nước này. Không lâu sau đó, Jessa Khan tham dự ASIAD 2018 và giành HCV duy nhất cho đoàn thể thao Campuchia. Cô cũng giành 1 HCV, 1 HCB ở SEA Games vừa qua.

Thành tích của Jujitsu Việt Nam tại các giải đấu quốc tế chỉ ra một sự thật. Chúng ta hiện có nhiều võ sĩ giỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đủ đẳng cấp đối đầu với những đối thủ quốc tế. Những VĐV như Đào Hồng Sơn, Dương Thị Thanh Minh, Phùng Thị Huệ... cần được tạo điều kiện tập luyện tốt hơn để nâng cao kinh nghiệm, trước khi được giao những chỉ tiêu về mặt thành tích.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/buoc-nhay-truoc-nguong-cua-olympic-cua-jujitsu-viet-nam-i697846/