Bước qua 'định kiến' để phát triển du lịch địa phương
Từ hơn chục năm qua, chị Bùi Thị Him, người dân tộc Mường ở thôn Kháy Mòn, xã Tự Do (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã bước qua những 'định kiến' của dân tộc mình, để góp sức thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trên chính quê hương.
Cô gái đôi mươi bước qua "định kiến"
Theo quan niệm xưa kia của người dân tộc Mường ở xã Tự Do, thì con cái lớn lên, nếu không đi công tác ở đâu, thì bố mẹ và gia đình đều mong họ xây dựng gia đình riêng, tạo lập cuộc sống, để yên bề gia thất. Đó như một định kiến đã ăn sâu trong nếp nghĩ của cộng đồng người dân bản địa ở xã Tự Do, và nó được từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.
Nhưng chị Bùi Thị Him đã lựa chọn cho mình lối đi khác với những quan niệm truyền thống ấy. Từ cách đây hơn chục năm về trước, cô gái trẻ Bùi Thị Him đã lựa chọn tham gia vào dự án phát triển du lịch cộng đồng Ngọc Sơn - Ngổ Luông, với mong muốn thúc đẩy phát triển ngành du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn sinh kế mới.
Ban đầu, mọi người trong gia đình đều phản đối Him, nhưng cô vẫn quyết tâm theo đuổi mơ ước của mình, thế rồi "đất không chịu trời, thì trời đành chịu đất", gia đình đành phải chiều theo ý của cô con gái nhỏ trong nhà.
Bắt tay vào thực hiện ước mơ, Him được Ban Quản lý dự án giao cho nhiệm vụ vận động bà con làm du lịch, tham gia tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng làm dịch vụ du lịch cộng đồng ở chính làng bản của mình.
Sau vài năm mô hình du lịch cộng đồng đi vào hoạt động hiệu quả, khi ấy, Bùi Thị Him giữ vai trò trong Ban Quản lý, điều phối các hoạt động của cả hệ thống du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Tự Do, từ việc quảng cáo, liên hệ kết nối với các công ty lữ hành, đến việc hỗ trợ các hộ gia đình Homestay tiếp đón khách, hướng dẫn khách…, chị Him đều nhiệt tình làm mà không hề toan tính.
Trở thành người "truyền cảm hứng" làm du lịch
Khi mô hình du lịch cộng đồng đi vào hoạt động có hiệu quả, du khách trong và ngoài nước đã đến với xã Tự Do nhiều hơn, thì lúc này lại có rất nhiều cơ quan đoàn thể ở các huyện khác, tỉnh khác về thăm quan học hỏi mô hình phát triển du lịch ở xã Tự Do, như huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang…, chị Him lại trở thành người "truyền cảm hứng" hướng dẫn cho những đoàn về tham quan về những kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và vận hành mô hình du lịch cộng đồng.
Chị Him kể: "Rất nhiều đoàn về tham quan, tham khảo kinh nghiệm, chúng tôi đều sẵn sàng chia sẻ, thậm chí tôi cũng sẵn sàng đi đến các địa phương theo lời đề nghị của họ, để cùng bà con trao đổi và giúp nhau các kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Ban đầu thì ai cũng bỡ ngỡ, nhưng khi bắt tay vào làm thực tế, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm rồi thì cũng ổn hết. Quan trọng là chúng ta phải quyết tâm và tự tin thì sẽ thành công".
Chị Him đã được tỉnh Hiệp hội Du lịch Hòa Bình, Sở VHTTDL Hòa Bình tặng Giấy khen và ghi nhận và vinh danh cho những cống hiến của mình.
Sau khi mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương đi vào hoạt động thành công, chị Him lại tiếp tục đi học Đại học, đến năm 2019, thì chị tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Thành Đông, với chuyên ngành Luật Kinh tế.
Với những sự cố gắng và tâm huyết thúc đẩy sự phát triển ở địa phương, chị đã được nhận vào công tác chuyên trách quản lý Nhà văn hóa và phát thanh ở xã Tự Do.
Chị Him vẫn tiếp tục tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và đặc biệt là quảng bá hình ảnh du lịch địa phương để thu hút khách đến ngày một nhiều hơn, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân rất đáng kể.
Từ một cô gái miền sơn cước, Bùi Thị Him đã không cam phận đi theo sự sắp đặt của những định kiến truyền thống, chị đã bước qua nó để hoàn thiện cho ước mơ của riêng mình, và tạo ra những giá trị cho cộng đồng dân tộc mình.