Bước ra từ bóng đêm

Bằng nghị lực và tình yêu thương, anh Huỳnh Hữu Cảnh đã bứt ra khỏi bóng đêm và tỏa sáng, chinh phục tấm bằng thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Flinders, Australia.

Không đầu hàng số phận

Chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của anh Cảnh ở xã Thạnh Trị (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) chỉ sau ít ngày sau khi gia đình anh giành “cú đúp” giải nhất tại Ngày hội gia đình tiêu biểu huyện Tân Hiệp lần thứ I năm 2024. Hai nội dung gia đình anh giành giải gồm Cùng con đọc sách và Trang phục gia đình.

Anh Cảnh (sinh năm 1985) vốn sinh ra có đôi mắt sáng. Năm lên 8 tuổi, anh cùng người em họ đi tìm sắt vụn bán, trong lúc cào lớp đất, hai anh em đào trúng một mảnh bom và nó phát nổ khiến Cảnh bị đứt gân tay trái, một miếng bom xuyên vào bao tử, mắt bị tổn thương nặng, còn người em họ bị cướp đi mạng sống.

Là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em, tai nạn khiến cho gia đình anh Cảnh gặp cú sốc. Sau nửa tháng cấp cứu mạng sống, nối gân tay trái, anh Cảnh được chuyển sang chữa mắt, tuy nhiên không thể lấy lại ánh sáng. “Thế giới của tôi chỉ còn bóng tối. Tôi bắt đầu co cụm lại, ngại tiếp xúc mọi người”, anh Cảnh nói.

Anh Cảnh ở nhà trong suốt 4 năm, đến năm 12 tuổi, anh tình cờ nghe được thông tin về Trường Trẻ em khuyết tật ở TP Long Xuyên (An Giang) nên xin cha mẹ cho đi học. Cho dù cha mẹ phản đối, nhưng anh Cảnh quả quyết “chỉ có học tập mới giúp cho con sau này thôi”. Anh một mình mang ba lô đi nhập học với tinh thần hưng phấn. Chính thời gian đi học đã giúp anh Cảnh có khả năng tự lập, thích nghi với mọi điều kiện sinh hoạt. Ngay cả khi năm lớp 10 đi học hòa nhập, bị bạn bè trêu ghẹo, nhưng anh Cảnh cũng không oán trách, muộn phiền mà luôn phấn đấu học thật tốt.

Học xong phổ thông, anh được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Trong quá trình 4 năm đại học, anh miệt mài học tập và chinh phục tấm bằng loại giỏi khi tốt nghiệp. “Khi trở thành sinh viên, tôi như đang ở một bước ngoặt cuộc đời để chạm vào những ước mơ tiếp theo. Năm thứ 3, tôi sáng tạo cây gậy cho gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị và đoạt giải nhất hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, đó là kỷ niệm rất đáng nhớ”, anh Cảnh cho biết.

 Vợ chồng anh Cảnh - chị Nga trong ngày nhận bằng thạc sĩ tại Australia

Vợ chồng anh Cảnh - chị Nga trong ngày nhận bằng thạc sĩ tại Australia

Anh Cảnh tốt nghiệp đại học và trải qua một số nghề tay trái như đánh đàn, thầy giáo ở Bình Dương, sau đó mới về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang công tác cho đến nay. Con đường theo đuổi con chữ của anh Cảnh không dừng lại, anh nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia tại Trường ĐH Flinders ngành Công tác xã hội.

Chạm vào những ước mơ…

Để đáp ứng điều kiện du học, năm 2015, anh Cảnh phải tham gia khóa học tiếng Anh 9 tháng để đảm bảo đủ năng lực tiếng Anh. Thật bất ngờ khi chàng trai khiếm thị thi IELTS đạt 6.0.

Trước khi sang Australia, anh Cảnh đã quen và cưới chị Huỳnh Tố Nga, sau đó 2 người cùng nhau sang Australia trong 2 năm. Chị Huỳnh Tố Nga trước kia làm nghề nhiếp ảnh và trong năm 2014 thì quen biết anh Cảnh trong một sự kiện gây quỹ của Hội Người mù tỉnh Kiên Giang. Thấy anh chỉn chu, lịch thiệp, dễ thương nên hai người tìm hiểu nhau. Tuy nhiên, chị Nga bị gia đình phản đối vì yêu người khiếm thị, không biết tương lai sẽ đi đến đâu, cha chị đòi tự tử nếu như con gái một mực không nghe. Họ hàng còn nói hai anh chị lấy nhau cũng được nhưng phải bỏ xứ mà đi nơi khác. Chị Nga lén cho cha nghe câu chuyện nghị lực của anh Cảnh trên sóng phát thanh trong chương trình Hoa đẹp cuộc sống, dần dần cha chị cũng hiểu và thông cảm, chấp nhận tình yêu của con trẻ.

Hai năm ở Australia là thời gian thử thách ý chí của cả 2 vợ chồng khi phải mất nhiều thời gian làm quen với môi trường mới. Đặc biệt, anh Cảnh ban đầu học chậm hơn vì tài liệu học tập bằng tiếng Anh rất dài, tốc độ học tập nhanh khiến anh phải nỗ lực gấp nhiều lần so với học trong nước. “Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc về nước vì quá khó khăn. Vợ không chỉ sang chăm sóc tôi mà còn đi làm thêm vất vả, nghĩ vậy tôi lấy lại quyết tâm và trái ngọt đã đến khi tôi đã lấy được tấm bằng thạc sĩ đúng hạn”, anh Cảnh cho biết.

Với khát vọng cống hiến cho đời, hiện nay hai vợ chồng anh Cảnh đã thành lập nhóm thiện nguyện mang tên con trai Thiện Đồng với mục đích kết nối các mạnh thường quân để giúp đỡ bà con nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Nhóm đang triển khai dự án Xe kem 0 đồng ai ăn cũng được, ai cũng nhận được niềm vui nụ cười, tôi sẽ kết nối các bạn trẻ đồng hành với nhóm lan tỏa sự yêu thương, bình đẳng trong cộng đồng”, anh Cảnh cho biết.

Anh Cảnh mong muốn sẽ đẩy mạnh được các hoạt động kết nối cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, anh cũng hy vọng sẽ truyền được cảm hứng sống cho cộng đồng người khuyết tật, mong họ hãy tự tin vượt qua giới hạn, bước ra ánh sáng và tỏa sáng giá trị bản thân. Anh Cảnh còn lập kênh YouTube - Cuộc sống người khiếm thị để chia sẻ mọi điều về cuộc sống hàng ngày, cách rèn luyện, học tập.

Trong quá trình phát triển bản thân, anh Cảnh nhận ra rằng, chạy bộ giúp anh vượt qua rào cản bóng đêm, từng bước chạy như đánh dấu một chặng của cuộc đời. Anh hăng say tập luyện cùng với sự giúp đỡ của vợ con và bạn bè. Anh bắt đầu chinh phục các cự ly 21km tại giải đất Sen Hồng Marathon 2022, Giải Ironman tại Đà Nẵng 2023, giải Cần Thơ Marathon Heritage Race 2023. Đặc biệt, tại Giải Ironman Phú Quốc 2023, anh Cảnh cùng 2 VĐV khuyết tật khác là Trịnh Thị Bích Như và Võ Huỳnh Anh Khoa xác lập kỷ lục đội VĐV khuyết tật đầu tiên tham gia và hoàn thành thử thách 3 môn phối hợp bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy bộ 21,1km… “Niềm tin dẫn dắt tôi rất lớn, không có niềm tin thì mọi chuyện đều không thể thành hiện thực được”, anh Cảnh tâm sự.

TRẦN VĂN VƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/buoc-ra-tu-bong-dem-post752730.html