Bước tiến của văn hóa Hà Nội

KTDT - Từ thuở là kinh thành Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước.

Với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh, bền vững Thủ đô. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn về những nội dung này.

Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn

Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn

Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, văn hóa Hà Nội đã kết tinh và hội tụ tinh hoa văn hóa toàn dân tộc. Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô đã có những kết quả nào nổi bật?

- Thời gian qua, TP Hà Nội thực hiện việc phân cấp nhằm tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, cũng như bảo đảm sự tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản văn hóa. Đồng thời, TP chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa; các dự án trùng tu, tôn tạo di tích trong danh mục Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp TP, Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP.

Bên cạnh đó, giải pháp thực hiện tư liệu hóa chi tiết và đầy đủ các hố khai quật khu đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa, đưa những hiện vật có thể di chuyển được về bảo quản, trưng bày trong bảo tàng, sau đó lấp cát theo phương pháp khoa học toàn bộ hố khai quật rồi bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Cách làm này vừa bảo đảm công tác bảo tồn lại không cản trở nhu cầu phát triển đô thị. Ngoài ra, việc giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản.

Cùng với bảo tồn, việc phát huy các giá trị di sản cũng được Hà Nội tích cực triển khai. Hiện nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với trên 100 TP, Thủ đô của các nước, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế uy tín; được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Công tác đối ngoại của Hà Nội được xác định trên ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Bằng thiện chí hợp tác chân thành, TP Hà Nội và người dân Thủ đô luôn chào đón, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn. Đơn cử, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác, trao đổi giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Hà Nội và TP Bắc Kinh (Trung Quốc) đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác trong thời gian vừa qua nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác về di sản văn hóa Việt Nam - Trung Quốc cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị Hà Nội - Bắc Kinh.

Thực tế hợp tác quốc tế thời gian qua giúp Hà Nội có nhiều bài học kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, di sản vật thể; đào tạo nguồn nhân lực...

Thưa ông, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Hà Nội cần giải pháp gì?

- Trên cơ sở truyền thống nghìn năm văn hiến, xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc, người Hà Nội năng động, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình, thông minh, sáng tạo; tương xứng với vị thế trung tâm văn hóa của cả nước, theo tôi, TP cần tập trung vào một số giải pháp.

Thứ nhất, tăng mức đầu tư cho văn hóa từ ngân sách Nhà nước kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ưu tiên bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể tiêu biểu, các di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến thu hút khách du lịch, phố cổ, nhà cổ, làng cổ trên địa bàn Thủ đô. Khuyến khích sáng tạo, phát triển văn hóa dựa trên nguồn lực di sản; bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Thứ hai, khuyến khích người dân, DN đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa bằng quy định cho phép DN hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô được hưởng ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành.

Thứ ba, cho phép TP quy định chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn, truyền dạy thế hệ kế cận, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng ở trong nước và ở nước ngoài.

Thứ tư, cho phép Hà Nội thành lập Quỹ bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô với mục tiêu bảo vệ di sản, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, quảng bá, sáng tạo dựa trên di sản văn hóa.

Thứ năm, phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm thiết kế sáng tạo, các sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng cao trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như Thủ đô.

Thứ sáu, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu bảo tồn di sản, phát triển văn hóa Thủ đô.

Thưa ông, để tiếp tục thúc đẩy hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị di sản thời gian tới, TP Hà Nội sẽ có những chủ trương, chính sách thế nào?

- Luật Di sản văn hóa và Luật Thủ đô 2024 đã quy định rất rõ nội dung về hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trên cơ sở đó, cần làm tốt một số nội dung.

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa thông qua nhiều hình thức. Phát huy vai trò của Nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, DN và chính quyền trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả quản lý di sản.

Thứ ba, cần gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội. Thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Xây dựng ngân hàng dữ liệu khoa học về các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô; qua đó, tích hợp các nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của

Hà Nội, thúc đẩy hoạt động có ý nghĩa này ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/buoc-tien-cua-van-hoa-ha-noi.html