Bước tiến mới trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết số 36), ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực triển khai, ứng dụng CNSH trong sản xuất, chế biến, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nghị quyết số 36 nhận định, phát triển CNSH là xu thế của thế giới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ quan trọng là: Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng CNSH, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gene quý hiếm.

 Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo phương pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng thức ăn có nguồn gốc thảo dược tại xã Quang Minh (Hiệp Hòa).

Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo phương pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng thức ăn có nguồn gốc thảo dược tại xã Quang Minh (Hiệp Hòa).

Tại Bắc Giang, sau khi Nghị quyết số 36 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 114 để thực hiện. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có nhiều nội dung liên quan và đã đạt được những kết quả nổi bật. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 36 đến từng cán bộ, đảng viên. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép nội dung về phát triển CNSH trong các buổi họp chi bộ, họp chuyên môn, giao ban định kỳ; đưa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, ứng dụng CNSH vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.

Điển hình như ở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong các buổi sinh hoạt chi bộ thường gắn nội dung phát triển, ứng dụng CNSH với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi tập thể, cá nhân, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình kinh tế an toàn, đạt tiêu chuẩn cao như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, tuần hoàn… Đồng chí Đặng Văn Tặng, Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Chi cục đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên nắm bắt, tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng dụng CNSH vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng. Đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện, nêu những khó khăn, vướng mắc để tham mưu tháo gỡ. Ngoài ra, đơn vị khuyến khích cán bộ, công chức xây dựng đề tài nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào lĩnh vực mình phụ trách”.

Một trong những nhiệm vụ đang được Chi cục triển khai đó là tổ chức tập huấn cho hơn 30 cán bộ cơ sở về ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để nâng cao khả năng phòng, chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ứng dụng chế phẩm sinh học thế hệ mới, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng rộng rãi các loại bẫy, chất dẫn dụ sinh học và chế phẩm sinh học khác.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bên cạnh giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh, đơn vị phối hợp với phòng nông nghiệp, kinh tế các huyện, thị xã, TP tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu, kiến thức mới về CNSH. Từ đó, nhiều biện pháp được nhân rộng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng công nghệ biogas xử lý chất thải; nhiều hộ sử dụng đệm lót sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học như: Em, BiOWiSH...

Chi cục còn xây dựng và phổ biến áp dụng quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học: Công nghệ Biofloc, công nghệ enzym, protein, vi sinh vật tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng; các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phát triển; chế phẩm nâng cao sức đề kháng và các chất phụ gia thức ăn có nguồn gốc kháng sinh được phép sử dụng trong hệ thống nuôi thâm canh…

Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng

Ứng dụng CNSH được coi là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững. Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Bám sát Nghị quyết số 36 và Kế hoạch số 114 của BTV Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng CNSH, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành Nông nghiệp đề ra đó là, nghiên cứu thử nghiệm, chọn tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có đặc tính ưu việt, chống chịu sâu, bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Cùng đó, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phẩm CNSH thế hệ mới trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm có nguồn gốc hóa học. Phấn đấu tiếp nhận và làm chủ ít nhất 15 quy trình ứng dụng CNSH trong sản xuất giống, chế phẩm sinh học, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vắc-xin, xử lý môi trường... ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Kết quả, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 36, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình tiêu biểu trong ứng dụng CNSH, bước đầu cho kết quả khả quan như: Sản xuất con lai trĩ - gà tạo sản phẩm gia cầm mới tại Yên Thế, Hiệp Hòa; cải tạo và phát triển đàn dê lai Bore tại Lục Ngạn, Yên Thế thông qua hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân ly giới tính; trồng thâm canh thông Caribe sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1, cho tỷ lệ sống đạt trên 90%, cây sinh trưởng tăng tối thiểu 20% so với giống đại trà không sử dụng chế phẩm; ứng dụng giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá cây cam tại huyện Lục Ngạn, giảm tỷ lệ bệnh dưới 10%, năng suất tăng hơn 15%; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ vi nhân giống, phương pháp nhân hom, chiết, ghép, giâm ngọn để cải thiện giống cây trồng thoái hóa...

Để nhân rộng các mô hình ứng dụng CNSH, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp theo Nghị quyết số 36. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Tích cực tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về đào tạo, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, ứng dụng CNSH trong sản xuất, chế biến nông-lâm nghiệp trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/buoc-tien-moi-trong-phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-vao-san-xuat-nong-nghiep-092333.bbg