Bưởi đỏ đúc chữ tài lộc hút khách trước dịp Tết Giáp Thìn.
Mỗi dịp Tết đến, gia đình ông Lương Văn Phương ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) lại tung ra thị trường những trái bưởi tạo hình tài lộc bắt mắt, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.
Hiện nay, thôn Đông Cao đang lưu giữ giống bưởi đỏ quý hiếm với tên gọi bưởi gấc hay bưởi đỏ "tiến vua".
Bưởi đỏ Đông Cao gồm hai loại: Bánh men và trái nũm, được ép khuôn tạo hình hai chữ tài lộc từ lúc quả còn non.
Bưởi đỏ trái nũm có thành cao được ép khuôn tạo hình giọt nước.
Bưởi đỏ bánh men với hình thù dẹt, tròn được ép khuôn tạo hình thỏi vàng.
Bên cạnh bưởi đỏ hình giọt nước, thỏi vàng, gia đình ông Phương còn tạo hình bưởi đỏ hồ lô để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Lương Văn Phương, mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng hiện nay số lượng bưởi đỏ đúc chữ tài lộc trong vườn đã được đặt hàng hết. "Giá bưởi được tạo hình cao hơn nhờ sự kỳ công và độc đáo với mức giá 250.000 đồng/1 quả", ông Phương nói.
Bưởi đỏ Đông Cao khi còn non có màu xanh, quả khi già sẽ chuyển dần sang màu vàng và khi bưởi chín sẽ chuyển sang màu đỏ như trái gấc. Điều đặc biệt, bưởi đỏ từ vỏ đến ruột, thu hoạch vào cuối năm, trùng dịp Tết Nguyên đán nên được người tiêu dùng ưa chuộng, luôn có giá cao mà vẫn không đủ hàng để bán.
Để mang tới cho khách những quả bưởi đạt chất lượng cao, đòi hỏi người làm vườn phải chăm sóc hết sức tỉ mỉ từng công đoạn. Bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch cây sẽ ra quả bưởi hồng. Đến tháng 10 Âm lịch, bưởi sẽ chuyển sang màu đỏ. Trung bình, mỗi cây ra 80-100 quả.
Để trồng được một cây bưởi đỏ đến khi thu hoạch phải trải qua khá nhiều công đoạn, thông thường mất khoảng 3 năm bưởi mới cho ra quả.
Năm nay, gia đình ông Phương đúc được gần 1.000 quả bưởi đỏ có chữ tài lộc.
Tuấn Anh