Buôn bán động vật hoang dã luôn gắn với tội phạm ma túy, buôn bán vũ khí và buôn người
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng các vụ bắt giữ tội phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Đặc biệt, hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã thường có liên kết với hành vi buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người.
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số vụ buôn bán động vật hoang dã được phát hiện
Cụ thể, chia sẻ với phóng viên ngày 3/6 tại hội thảo tập huấn “Buôn bán động vật hoang dã và những nỗ lực cứu hộ”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Việt Nam vốn là quốc gia có hệ động, thực vật phong phú với hơn 11.400 loài thực vật bậc cao, 322 loài thú, 420 loài bò sát, 240 loài lưỡng cư, hơn 900 loài chim và 120.000 loài côn trùng. Ngoài ra, còn có 700 loài cá nước ngọt, 2.458 loài cá biển đã được xác định.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hiện tượng suy thoái đa dạng sinh học tại Việt Nam đã xuất hiện. Bên cạnh nguyên nhân mất sinh cảnh sống, chuyên gia đến từ CITES cho rằng, các loài động vật hoang dã tại nước ta còn đang phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng từ hoạt động buôn bán trái phép.
“ASEAN là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã; trong đó Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số vụ được phát hiện và xử lý”, ông Tuấn thông tin.
Cụ thể, Việt Nam hiện tại đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã quốc tế, bao gồm: Xuất khẩu/tái xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển. Kể từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã tịch thu 31.377 kg ngà voi, 884,28 kg sừng tê giác và 44.680 kg tê tê (con sống và vảy). Ngoài ra còn phải kể đến nhiều mẫu vật như san hô đen, rùa sống, rắn ráo, hổ, xương hổ, vỏ trai tai tượng cùng gỗ các loại…
Điển hình, chỉ trong vài ngày đầu tháng 3/2023, cơ quan chức năng đã liên tiếp khám phá, thu giữ gần 8 tấn ngà voi tại Hải Phòng. Trước đó, ngày 5/1/2022, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ lô hàng gồm 456 kg ngà voi cùng 6,2 tấn vảy tê tê tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Một số loại động vật đặc biệt quý hiếm như hổ, tê giác… cũng không thoát khỏi số phận tương tự.
“Hành vi buôn bán bất hợp pháp diễn ra mọi lúc, mọi nơi để phục vụ cho nhu cầu làm đồ trang sức, các sản phẩm thời trang, thuốc, làm vật nuôi… Đáng chú ý, hành vi buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã thường mang tính xuyên quốc gia, có sự liên kết với tội phạm buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người. Các đối tượng tội phạm cũng sử dụng công nghệ cao vào hoạt động của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân đe dọa thứ hai đối với động vật hoang dã, sau nguyên nhân mất sinh cảnh sống”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Lý giải về việc Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển trong các đường dây buôn bán động vật hoang dã quốc tế, chuyên gia của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho rằng: Nước ta có vị trí địa lý thuận lợi, sử dụng chung Biển Đông, đặc biệt có chung đường biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Điều này khiến cho hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng trở nên phức tạp.
Cần tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác quốc tế
Cũng theo ông Tuấn, hiện việc phòng, chống buôn bán động, thực vật hoang dã theo công ước CITES tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành gây lãng phí về nguồn lực. Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác hiện nay chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Rất ít vụ việc buôn bán quốc tế động vật hoang dã được điều tra theo dòng tiền.
Ở cấp độ địa phương, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa ưu tiên trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã. Thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã thường xuyên thay đổi dẫn đến thiếu hiệu quả trong hợp tác.
Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) là một hiệp ước đa phương. Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 1/7/1975.
Tới nay, với 175 quốc gia thành viên, CITES là Hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu. Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước.
Một khó khăn khác là việc thiếu quy định về động vật hoang dã trong các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, chưa có quy định tài nguyên du lịch, môi trường du lịch gồm động vật hoang dã. Du lịch phát triển với nhiều loại hình, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thường nhắm đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…
Đặc biệt, theo ông Tuấn, hiện nay, luật chuyên ngành vẫn chưa có chế tài xử lý hành vi tiêu thụ (ăn) động vật hoang dã hoặc hành vi môi giới, dẫn khách mua các sản phẩm động vật hoang dã.
Về mặt quốc tế, hiện nay chưa có các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi. Ở cấp độ quốc tế, còn nhiều hạn chế trong hợp tác liên ngành, đặc biệt trong chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, do quy định khác nhau trong lưu trữ, bảo mật thông tin.
“Ngoài ra, mặc dù có nhiều thể chế quốc tế cùng tham gia vào lĩnh vực đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã như CITES, Interpol, WCO, CBD… nhưng lại thiếu một cơ chế điều phối, hợp tác hiệu quả từ quốc tế đến quốc gia”, ông Tuấn phân tích thêm.
Để đẩy mạnh việc thực thi công ước CITES tại Việt Nam, ông Tuấn kiến nghị cần xây dựng và thực hiện các dự án chung nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ thuật cho lực lượng thực thi chống tội phạm vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, các kỹ năng phòng chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã…
Ông Tuấn cũng cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung về tội phạm trong lĩnh vực động vật hoang dã giữa cơ quan thực thi, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan truy tố, xét xử; tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia nước nguồn và quốc gia tiêu thụ cuối cùng để kiểm soát buôn lậu quốc tế động vật hoang dã.
“Các cơ quan thực thi pháp luật cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2020, trong đó tiếp tục ưu tiên xử lý các vi phạm liên quan đến hành vi buôn bán các loài tê tê, mèo lớn, tê giác, voi châu Á, châu Phi…”, chuyên gia bổ sung thêm.
Theo thống kê của CITES, hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, đem lại lợi nhuận “đen” lên tới 21 tỷ USD/năm. Tổng cộng có tới 7.000 loài bị buôn bán trong đó có 40.000 cá thể linh trưởng, 4 triệu cá thể chim, 640.000 cá thể bò sát, 350 triệu cá thể cá nhiệt đới và hàng trăm loài gỗ, lan.