Buôn Đôn, vùng đất giàu tiềm năng

Buôn Đôn là địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước, là thương hiệu Du lịch hàng đầu của Đắk Lắk, một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi tham quan Đắk Lắk.

 Hàng nghìn người đổ về Buôn Đôn trong ngày diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.

Hàng nghìn người đổ về Buôn Đôn trong ngày diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.

Từ địa danh Bản Đôn

Bản Đôn tiếng Lào nghĩa là “làng đảo” - ngôi làng được tọa lạc trên một ốc đảo của sông Sêrêpôk, con sông chảy ngược từ Đắk Lắk đổ lên sông Mê Kông ở Campuchia. Còn người

Êđê, M’Nông gọi là Buôn Đôn. Nguyên nơi đây là một trong những điểm giao thương đường sông quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa. Thời bấy giờ, các lái buôn người Lào thường xuôi theo dòng Mê Kông qua Campuchia, Thái Lan rồi ngược dòng Sêrêpôk đến Việt Nam. Trên mỗi chuyến đi, hàng hóa chủ yếu lúc bấy giờ là trâu mộng để trao đổi voi, ngà voi và các loại lâm đặc sản khác... Trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này họđã bị quyến rũ và ở lại cùng người Êđê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với huyền thoại về Vua Voi Khun Ju Nốp (tức Y Thu K’nul), người đã bắt được hơn 400 con voi rừng. Chính vì vậy, khi mới đặt chân lên Đắk Lắk, người Pháp đã chọn Bản Đôn làm tỉnh lị của Đắk Lắk, cho đến đầu thế kỷ XX mới chuyển về Buôn Ma Thuột. Bản Đôn trở thành xứ sở Voi của Đắk Lắk, của Tây Nguyên. Các Vua Voi kế tục Y Thu K’nul cũng là con cháu của ông như R’leo, Ama Kông. Vì thế Bản Đôn – Buôn Đôn từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước.

 Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.

Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.

Đến một vùng văn hóa đa sắc tộc…

Huyện Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía Tây, phía Bắc giáp huyện Ea Súp;phía Đông giáp huyện Cư M'gar và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Buôn Đôn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm, trước tháng 8 năm 1904 là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk. Cùng với các tộc người Êđê, M’nông là dân tộc bản địa đến quần cư lập nên những buôn làng đầu tiên của vùng đất này, sự có mặt định cư của người Lào, sự giao thương của người Thái, người Campuchia… đã biến nơi đây trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, một vùng văn hóa đa sắc tộc. Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, nhiều đợt chuyển cư của các dân tộc miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên tìm vùng đất mới sinh sống mà Buôn Đôn cũng là một điểm đến, từ đó trong thành phần dân cư đã có thêm nhân dân các dân tộc vùng núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Dao… Đến nay Buôn Đôn có tất cả 29 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 47%.

 Một góc trung tâm huyện Buôn Đôn.

Một góc trung tâm huyện Buôn Đôn.

Văn hóa đa sắc tộc mà trọng tâm là Văn hóa Voi đã góp phần tạo nên nền văn hóa truyền thống độc đáo, trên cơ sở đó đã hình thành Ngày hội văn hóa truyền thống - Lễ hội Voi Buôn Đôn hàng năm, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

…và giàu tiềm năng phát triển kinh tế

Phần lớn diện tích của huyện Buôn Đôn nằm trong vùng bán bình nguyên Ea Súp, địa hình đồi núi thấp trung bình chiếm 86,4% diện tích tự nhiên. Nơi đây có Vườn Vườn Quốc gia Yok Đôn lớn nhất nước với diện tích trên 115.500 ha, nơi bảo tồn Voi châu Á và hệ sinh thái rừng Khộp độc nhất vô nhị.

 Nét văn hóa đặc sắc của người dân Buôn Đôn.

Nét văn hóa đặc sắc của người dân Buôn Đôn.

Với đường biên giới dài khoảng 45 km chung với Vương quốc Campuchia, nên Buôn Đôn có vị trí địa lý, kinh tế quốc phòng rất quan trọng đối với tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Huyện Buôn Đôn còn được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, năng lượng, công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ nông nghiệp.

Hiện nay ở Buôn Đôn đã và đang phát triển mạnh về du lịch, cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Buôn Đôn có rất nhiều thắng cảnh đẹp nằm dọc theo dòng sông Sêrêpôk như các bãi sông, Hồ thủy điện Sêrepôk 3, thác Bảy nhánh, thác Phật, hồ Đức Minh.. . qua đó hình thành các điểm du lịch hấp dẫn du khách như Cầu treo Buôn Đôn, nhà Lào cổ, khu mộ vua Voi, du lịch Ánh Dương, Du lịch Thanh Hà, Lâu Đài Yến - Làng du lịch cộng đồng Đảo Yến Buôn Đôn, Vườn cảnh Trohbư,… Vườn Quốc gia Yok Đôn nổi tiếng chứa đựng nhiều tiềm năng khai thácdu lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.Và đặc biệt là bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, huyền thoại về Vua Voi là những sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất Buôn Đôn.

 Buôn Đôn một vùng văn hóa đa sắc tộc- Tết punpimay của người Lào tại Buôn Đôn.

Buôn Đôn một vùng văn hóa đa sắc tộc- Tết punpimay của người Lào tại Buôn Đôn.

Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, các di tích, thắng cảnh, lợi thế rừng quốc gia, các món ăn đặc sản rất đặc trưng như thịt nướng, gà nướng Bản Đôn, cơm lam; rượu Ama Công; các món ăn từ các loài cá sông đặc sản như cá lăng, cá mõm trâu… cũng góp phần làm nên nét riêng cho văn hóa ẩm thực Buôn Đôn, du lịch Buôn Đôn.

Thanh Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/buon-don-vung-dat-giau-tiem-nang-10278093.html