Bứt phá từ tư duy đổi mới

Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2024”

Nếu nói sự đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành sát sao, toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương là “kim chỉ nam” thì tinh thần đồng thuận của cộng đồng các dân tộc chính là đích đến trong thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới công tác lãnh đạo

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có 19 dân tộc; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 87,7%, sinh sống ở những địa bàn cốt yếu, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, QP-AN. Bởi vậy, công tác dân tộc, nhất là phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được tỉnh ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Sản xuất chè Shan tuyết giúp đồng bào Dao, xã Tân Lập (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Sản xuất chè Shan tuyết giúp đồng bào Dao, xã Tân Lập (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Ngày 27.4.2022, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 25 về lãnh đạo triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tiếp đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành gần 120 văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng địa phương để phát triển KT-XH bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào DTTS… Kết quả này đã đưa Hà Giang trở thành một trong những địa phương của cả nước cơ bản hoàn thành sớm công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện, tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Với phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và “Nghe đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”; các cấp, ngành, nhất là đội ngũ làm công tác dân tộc đã bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng để giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân. Thay vì trực tiếp hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các địa phương tập trung hỗ trợ việc làm, cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế bền vững, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào DTTS vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp đồng bào phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống. Không những vậy, các cấp, ngành còn tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Kết tinh thành quả trân quý

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh ta được phân bổ và giao dự toán ngân sách hơn 7.570 tỷ đồng. Đến năm 2024, tổng vốn giao là hơn 3.100 tỷ đồng; kết quả giải ngân các nguồn vốn đạt từ 32 - 47% so với kế hoạch.

Đảm bảo nguyên tắc, giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, từ nguồn vốn trên, tỉnh ta đã, đang tập trung triển khai 14 nội dung, 11 tiểu dự án thuộc 10 dự án, tạo khởi sắc cho bức tranh phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nổi bật trong đó, hỗ trợ đất ở cho 19 hộ, nhà ở cho 2.027 hộ, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 962 hộ; hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 7.200 lao động vùng DTTS; hỗ trợ 929 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, 49 chuỗi phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS và miền núi tại địa bàn 127 xã, 119 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực I, II được đầu tư xây dựng, điển hình như: Đầu tư xây dựng, cải tạo 320 công trình giao thông nông thôn; 113 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 166 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; 32 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; duy tu bảo dưỡng 220 công trình sau đầu tư; mở 215 lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS…

Không dừng ở kết quả trên, hoạt động du lịch được tiếp vốn để phát triển khởi sắc hơn. Trong đó, 11 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi được hỗ trợ đầu tư xây dựng; 2 địa bàn DTTS có dân số ít được hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống; 20 lễ hội của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy; 355 thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS được đầu tư… Ngoài ra, không ít nội dung hỗ trợ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện như: Nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Nối tiếp những kết quả trên, tỉnh ta đang tập trung phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS gắn với các chương trình MTQG khác; lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi; hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu là nhiệm vụ ưu tiên. Trên cơ sở đó, thúc đẩy phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, tạo sức mạnh đồng thuận xây dựng tỉnh Hà Giang vững mạnh nơi biên thùy.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-ha-giang-lan-thu-iv-nam-2024-but-pha-tu-tu-duy-doi-moi-56c0182/