Bứt phá về hạ tầng công nghiệp
Hải Dương có nhiều giải pháp phát triển bứt phá về hạ tầng công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại để tạo sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Hải Dương thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh.
Tăng đầu tư
Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương đang tăng tốc phát triển hạ tầng công nghiệp để là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư lớn. Từ 3 khu công nghiệp (KCN) ban đầu là Đại An, Nam Sách, Phúc Điền rộng hơn 320 ha được thành lập vào năm 2003, đến nay, tỉnh đã có 24 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 4.500 ha. 11 KCN với tổng diện tích 1.470 ha đang vận hành, khai thác kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 84%. Hiện các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, khẩn trương thi công 6 KCN nhằm tận dụng thời cơ thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch vùng công nghiệp động lực tại hai huyện Bình Giang và Thanh Miện quy mô gần 10.000 ha để thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ hiện đại. Với lõi là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, vùng công nghiệp này hứa hẹn sẽ tạo bứt phá về hạ tầng công nghiệp và động lực thu hút đầu tư của cả tỉnh.
Các KCN trong tỉnh phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng với nhiều KCN lớn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Chỉ trong thời gian ngắn, KCN Cẩm Điền-Lương Điền đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với 30 dự án đầu tư gần 535 triệu USD. Đây là KCN xanh hóa kiểu mẫu của tỉnh với mật độ cây xanh chiếm khoảng 30%. Các tuyến đường thông nội bộ với đường chính rộng 56 m, đường phụ hơn 26 m cũng là điểm nổi bật của KCN này. Theo ông Vương Đức Thủy, Quyền Trưởng phòng Văn phòng Ban Giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Dương, chủ đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Điền-Lương Điền, ngay từ đầu doanh nghiệp đã xác định sẽ tạo ra không gian xanh, sạch, an toàn, góp phần phát huy năng lực sáng tạo và tái tạo sức lao động để thu hút doanh nghiệp tới đầu tư. Với hướng đi đúng đắn, hiện KCN là "bến đỗ" của nhiều dự án đầu tư chất lượng, uy tín.
Bên cạnh các KCN, Hải Dương còn có mạng lưới cụm công nghiệp (CCN) phân bổ hợp lý ở các địa phương. Toàn tỉnh có 53 CCN với tổng diện tích gần 2.700 ha. Các khu, CCN đan xen giúp tỉnh phân tầng các doanh nghiệp đầu tư, xem trọng các dự án lớn nhưng không bỏ qua các dự án nhỏ. Ngoài hạ tầng phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh quan tâm phát triển hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông để tạo hạ tầng liên kết đồng bộ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hải Dương được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất trong cả nước.
Tạo sức hút
Nhờ có hạ tầng công nghiệp khá đồng bộ, hiện đại nên Hải Dương có nhiều điểm sáng về thu hút đầu tư bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 2 năm 2020 - 2021 tỉnh thu hút đầu tư được gần 900 triệu USD từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 25.600 tỷ đồng từ dự án đầu tư trong nước (DDI). Vừa đưa nhà máy sản xuất số 2 ở CCN Đoàn Tùng II, thuộc xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) vào hoạt động, ông Tiêu Dương Diệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietstar cho biết sản phẩm giày dép của doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn nên rất cần vị trí vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Sau khi cân nhắc, tính toán, doanh nghiệp đã lựa chọn CCN ở Hải Dương để đầu tư.
"Ngoài nguồn nhân công thì hạ tầng là yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp quyết định đầu tư. Hải Dương có giao thông thuận lợi, gần cảng biển, đường sá thường xuyên được đầu tư nâng cấp. Hạ tầng công nghiệp ở khu vực đầu tư trực tiếp cũng được chú trọng, bảo đảm hoạt động sản xuất. Vì thế nhà máy 1 của công ty đi vào hoạt động từ năm 2017 thì đến năm 2019 doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhà máy số 2", ông Diệp thông tin thêm.
Dù đã tạo được thiện cảm với nhà đầu tư về hạ tầng công nghiệp song để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa thì Hải Dương cần nỗ lực cao với tầm nhìn dài hơi về hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng kỹ thuật KCN để thu hút các dự án FDI tầm cỡ. Xây dựng các tuyến đường kết nối liên vùng, sớm đồng bộ hóa mạng lưới giao thông để hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/but-pha-ve-ha-tang-cong-nghiep-204668