BV Trung ương Huế sẽ xây dựng Trung tâm xạ trị Proton quy mô 2.000 tỷ
Tại lễ kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam chiều 27/2, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong thời gian tới Bệnh viện sẽ mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 với quy mô 300 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm xạ trị Proton tại Việt Nam với quy mô 2.000 tỷ đồng.
Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện hạng đặc biệt, một trong ba bệnh viện đa khoa Trung ương lớn nhất nước. Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, với vai trò là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, Bệnh viện đang phấn đấu về mọi mặt để trở thành Trung tâm y học cao cấp.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, năm 2023, Bệnh viện tiếp tục đạt được nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực khám chữa bệnh, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám chữa bệnh và là điểm sáng về y đức, về chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ở tuyến cao nhất. Bệnh viện đã đạt thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực ghép tạng, mô; ghép tế bào gốc, lĩnh vực ung thư, ngoại khoa, sản phụ khoa, đột quỵ, tim mạch, nội khoa và điều trị tích cực, nhi khoa và hồi sức sơ sinh…
Năm 2023, Bệnh viện tiếp nhận gần 180.000 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 700.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, điều trị ngoại trú; phẫu thuật gần 50.000 ca, đứng tốp 3 trong cả nước. Các chỉ số hoạt động đều đạt và tăng so với năm 2019 trước đại dịch COVID-19, vượt cao so với năm 2020, 2021 và 2022.
Tại lễ kỷ niệm, Bệnh viện Trung ương Huế khai trương hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy 160 lá thế hệ mới của hãng Elekta, Vương quốc Anh. Đây là hệ thống máy xạ trị hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Máy xạ trị này cho phép thực hiện nhiều kỹ thuật cao: Xạ trị điều biến liều, xạ trị hình cung điều biến liều theo thể tích, xạ trị chuyển động quay theo hình thái u, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh; thực hiện ở người lớn và trẻ em với các bệnh lý như bệnh ung thư vùng đầu cổ, ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa… nhằm xạ trị chính xác vào mục tiêu, tối ưu hóa tiêu diệt khối u đồng thời giảm tác dụng phụ tối đa với các cơ quan khác trong cơ thể.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định, để góp phần cùng với ngành y tế cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh; đặc biệt là ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường nghiên cứu khoa học để triển khai các kỹ thuật cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế như ghép gan trên người cho sống, ghép tế bào gốc đồng loài trong ung thư và Thalassemia, phát triển công nghệ sinh học và điều trị ung thư...
Trong thời gian tới Bệnh viện sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 với quy mô 300 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm xạ trị Proton tại Việt Nam với quy mô 2.000 tỷ đồng, cải tạo và mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, tòa nhà Nội – Huyết học lâm sàng...
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là quyết tâm "Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao xứng tầm khu vực Đông Nam Á và thế giới", cùng với nhân dân toàn tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị.