Cá chép 'không thả'
Thả cá chép lâu nay đã là một tập tục, thói quen của nhiều người dân mỗi dịp Tết ông Công, ông Táo. Thế nhưng, việc đi thả cá chép cũng kéo theo nhiều hệ lụy khi người thả không có ý thức bảo vệ môi trường, xả thẳng túi nilon xuống các ao hồ. Những năm gần đây, nhiều 'loại hình' cá chép mới đã được sáng tạo để giúp cho mâm lễ trọn vẹn, mà không phải sử dụng cá chép thật.
Dịp lễ ông Công ông Táo năm nay, gia đình chị L.T.Q ở quận Tây Hồ, Hà Nội thay đàn cá chép nhỏ tung tăng trong bát lễ như mọi năm bằng những đĩa xôi cá chép. “Tôi sử dụng xôi gấc đổ khuôn cá chép, đẹp mà vẫn đầy đủ ý nghĩa cúng cá chép cho ông Táo về trời”.
Chị Q đã phải chuẩn bị khá cầu kỳ từ hôm trước: ngâm gạo nếp qua đêm, chọn mua quả gấc ruột đỏ, cơm dày, chiên mỡ gà. Gạo nếp cái hoa vàng ngâm cho nở căng hạt, trộn chung với cơm gấc và rượu trắng rồi đồ xôi, rưới chút mỡ gà lên cho thơm và bóng đẹp.
Chị Q chia sẻ, nếu làm cầu kỳ hơn có thể thêm lớp nhân đậu xanh đồ với dừa nạo, hoặc cốt dừa cho dậy mùi. “Mọi năm gia đình tôi hay mua cá về thắp hương rồi thả, nhưng năm nay tôi muốn thay đổi, một phần vì chỗ thả cá bây giờ ngày càng ít, phải đi xa, một phần vì cũng không muốn lỉnh kỉnh túi nilon sau đó lại thêm rác thải” – chị chia sẻ.
Năm nay, xôi tạo hình cá được bán hoặc rao đặt trước khá nhiều ở các chợ, đặc biệt là các nhóm chợ của các khu chung cư, nơi phần lớn cư dân đi làm công sở, không có nhiều thời gian chuẩn bị. Phần lớn xôi sử dụng cho các mẫu cá là xôi gấc bởi màu đỏ đẹp. Xôi cá được tạo hình khá phong phú, từ cá vờn cành rong, cành hoa (tạo hình từ đậu xanh sên hoặc tỉa củ quả), cá và thoi vàng (làm từ đậu xanh), cho đến cá bằng đậu xanh đắp nổi trên nền xôi đỏ…
Cũng có các loại xôi màu (thường là xôi ngũ sắc) được tạo hình cá khá đẹp, với màu sắc chủ yếu được tạo từ lá, củ quả, như đỏ từ gấc, đỏ tím từ thanh long, xanh từ hoa đậu biếc, tím từ lá cẩm… Giá cả cũng khá phong phú, khoảng từ 100-200 nghìn đồng cho 1 set xôi tùy thuộc vào kích thước, độ cầu kỳ của hình cá và các chi tiết trang trí.
Cùng với xôi hình cá chép, năm nay nhiều bà nội trợ còn thay thế cá thật bằng cá từ thạch rau câu. So với xôi, thạch rau câu có lợi thế là dễ tạo hình, có nhiều màu sắc phong phú hơn. Thạch rau câu cũng không quá khó nếu chỉ là các loại đơn giản, chỉ cần nguyên liệu là thạch, đường, phẩm màu thực phẩm và khuôn cá là xong.
Thay vì nấu xôi hay mua cá, năm nay gia đình chị N.T.H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn món thạch cá chép tự làm. “Tôi nấu thạch, xay thanh long đỏ để lấy màu đẹp, nhồi hạt đậu đen vào làm mắt cá khi thạch còn chưa đông. Việc chuẩn bị khá nhanh, chỉ mất thời gian nhất ở công đoạn chờ thạch đông, cho nên phải làm sớm” – chị H. chia sẻ.
Cũng lựa chọn thạch cá để thắp hương, nhưng gia đình chị Đ.K.G thì lý do là ở nước ngoài, không tiện mua cá chép. “Gia đình chúng tôi sinh sống tại Nga, ở đây đang mùa đông, rất lạnh, cá chép đỏ không phổ biến như ở Việt Nam, vì thế tôi lựa chọn tự làm thạch cá, cho trẻ nhỏ trong nhà hiểu thêm về một tập tục truyền thống của ông bà” – chị Đ.K.G nói.
Nhiều bà nội trợ sáng tạo còn chế biến món thạch cá chép rất cầu kỳ, ngoài việc pha màu cam, vàng đỏ cho cá đẹp và giống thật, còn thêm các vị nhân như phomai, trân châu, các loại trái cây…, vừa bắt mắt, vừa ngon miệng.
Thạch rau câu cũng được rao bán khá nhiều, và thường được trình bày cầu kỳ, như cá chép với thỏi vàng, cá chép vờn trăng, cá chép với hoa sen, hoa súng, với cành rong… Thậm chí, có cả những “tác phẩm” thạch được trang trí cầu kỳ, khi miếng thạch hình cá được đặt trong chiếc bánh thạch lớn, sau đó sử dụng kim tạo hình để tạo ra hoa, rong rêu bên cạnh…
Các loại cá chép “ăn được” đang ngày càng trở nên phong phú và hấp dẫn, thu hút sự chú ý và được nhiều người lựa chọn sử dụng. Những cách làm mới này không chỉ kích thích sự sáng tạo mà còn góp phần làm phong phú thêm cho những cách thức gìn giữ phong tục tập quán văn hóa truyền thống.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-chep-khong-tha-post734902.html