Cả cộng đồng cần chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá
Là tỉnh miền núi với đặc thù văn hóa cộng đồng chặt chẽ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định hành chính, tỉnh đang từng bước xây dựng một phong trào rộng khắp, từ cơ quan, đơn vị đến từng khu dân cư, gia đình.
Là tỉnh miền núi với đặc thù văn hóa cộng đồng chặt chẽ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định hành chính, tỉnh đang từng bước xây dựng một phong trào rộng khắp, từ cơ quan, đơn vị đến từng khu dân cư, gia đình.

Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bôi giám sát công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trường TH&THCS Cuối Hạ.
Một trong những người tiên phong trong chiến dịch phòng, chống tác hại của thuốc lá là bà Nguyễn Thị Hoa, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Bà Hoa chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền, vận động cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng, chúng tôi thấy rất bổ ích. Từ kiến thức được truyền đạt, tôi về khu dân cư phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân bỏ thuốc lá. Điểm mấu chốt để xây dựng khu dân cư không khói thuốc là nên đưa quy định "không hút thuốc tại đám cưới, đám tang, lễ hội” vào hương ước. Nhiều người lúc đầu cũng phản ứng nhưng khi được giải thích đã ủng hộ.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào hương ước. Ở cấp tỉnh, Sở Y tế là đơn vị đầu mối tham mưu triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013. Theo đồng chí Đào Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Y tế, điểm mới trong công tác triển khai gần đây là yêu cầu tất cả đơn vị sự nghiệp công lập phải ban hành quy chế nội bộ về cấm hút thuốc lá nơi làm việc và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 được Quốc hội ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc sử dụng thuốc lá. Việc nắm rõ và tuân thủ các quy định của luật là trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá được thể hiện rõ ở Điều 7 và Điều 13. Trong đó, công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Bên cạnh đó, người hút thuốc lá phải có trách nhiệm không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được hút thuốc lá.
Theo quy định tại Điều 6 và Điều 14 của Luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương có vai trò quan trọng. Trong đó, tại Điều 6 của Luật quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá, gồm 3 nội dung: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Điều 14 của Luật quy định quyền của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá gồm: Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình. Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.
Tại Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm y tế tuyến huyện đã nghiêm túc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhờ đó môi trường khám, chữa bệnh trong lành hơn trước. Một điểm sáng khác là sự tham gia tích cực của thanh niên trong phong trào "Trường học không khói thuốc” ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này trong cộng đồng không dễ dàng. Tình trạng hút thuốc lá trong các quán cà phê, tiệm cắt tóc, các chợ dân sinh… vẫn diễn ra. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải đi đôi với kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Khi cả cộng đồng cùng vào cuộc thì mục tiêu xây dựng môi trường sống không khói thuốc lá mới trở thành hiện thực.