Vì sao doanh nghiệp khẳng định không nhúng thuốc vẫn phát hiện chất vàng ô trong sầu riêng?

Việc sầu riêng bị phát hiện có hàm lượng Cadimi chủ yếu do ô nhiễm đất, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để canh tác trong thời gian dài. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sử dụng chất tạo màu trong sơ chế khiến sầu riêng nhiễm vàng ô.

Dư lượng vàng ô và Cadimi bắt nguồn từ đâu?

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 3,2 tỷ USD, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, trong đó hơn 90% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc.

Tại tỉnh Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ hai cả nước (năm 2024 đạt 361.986 tấn, tăng hơn 60 ngàn tấn so với năm 2023, dự kiến sản lượng vụ mùa năm 2025 ước đạt trên 400.000 tấn). Tổng diện tích sầu riêng hiện tại của toàn tỉnh khoảng 38.800ha (lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% diện tích cây ăn quả).

Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu sầu riêng của doanh nghiệp trong nước sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ nhập khẩu những lô hàng có chứng nhận kiểm định dư lượng kim loại nặng như: Cadimi và chất vàng ô.

Là đơn vị tham gia xuất khẩu sầu riêng chính ngạch nhiều năm nay, ông Vũ Quang Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Trung Bảo Tín cho hay: "Quá trình thu mua xuất khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng đi được cũng không nhiều".

Trước hết là việc lựa chọn các vùng trồng không có Cadimi cũng như là các sinh vật gây hại theo Nghị định thư của Trung Quốc. Bởi diện tích vùng trồng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Hơn nữa, khi tìm được vùng trồng phù hợp thì khi vào thu hoạch, sản lượng không đủ để đóng hàng phục vụ xuất khẩu.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Trước tình hình này, ông Phúc mong muốn nhà nước hỗ trợ cho các hộ nông dân, cũng như các hợp tác xã đăng ký thêm vùng trồng để các doanh nghiệp có thể thu mua được chính xác tại những vùng trồng đã được đăng ký.

Ông Phúc cũng khẳng định: "Thời gian qua, chúng tôi không dùng các chất thuốc nhúng tạo màu có vàng ô, nhưng cũng có cá biệt trường hợp khi ra đến cửa khẩu đi Trung Quốc thì kiểm tra có chất vàng ô trong sản phẩm. Mặc dù, tỉ lệ thấp nhưng vẫn bị Trung Quốc trả về. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kiểm nghiệm hỗ trợ xác định, làm rõ nguyên nhân đến từ đâu".

Mặt khác, việc xuất khẩu sầu riêng có rất nhiều thủ tục liên quan, thời gian rất dài. Có những xe hàng kéo dài đến cả tháng nên khi đi được rồi cũng gần như bị hư hỏng...

Cảnh báo từ thói quen canh tác thiếu bền vững

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến trái sầu riêng nhiễm chất vàng Ô và Cadimi, tại Văn bản số 3448 ngày 10/4/2025, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: "Việc sầu riêng bị phát hiện có hàm lượng Cadimi là do ô nhiễm từ nguồn đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chứa Cadimi để canh tác trong thời gian dài. Đồng thời, sầu riêng nhiễm vàng ô là do một số doanh nghiệp sử dụng chất tạo màu trong sơ chế để trái sầu riêng khi xuất khẩu có màu vàng đẹp, bắt mắt...

Một số vùng trồng, cơ sở đóng gói sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất cấm sử dụng, hóa chất có chứa vàng ô. Từ đó, dẫn đến có những lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu...".

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thông tin, những nghiên cứu trước đây, chủ yếu của thế giới đã xác định vàng ô đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có thể đến từ nguồn sẵn có từ trong đất hay là những nguồn từ phân bón, đặc biệt là phân lân. Khi bón nhiều phân lân thì cũng có thể dư lượng vàng ô trong đó rất nhiều.

"Chúng ta cần phải có những nghiên cứu thêm để các định chính xác dẫn đến dự lượng Cadimi và vàng ô đang tồn tại trong đất ở Tây Nguyên. Để giải quyết vấn đề, hiện chưa có một quy trình chuẩn nào. Cho tới bây giờ, thế giới cũng xác định, các vấn đề này phải giải quyết bằng những phương pháp phát triển bền vững và mang tính lâu dài", Tiến sĩ Phan Việt Hà nhấn mạnh.

Bà con nhân dân trồng sầu riêng đã đến lúc nghĩ đến việc sản xuất theo hướng bền vững, đa sản phẩm và phát triển ở những vùng sinh thái phù hợp.

Bà con nhân dân trồng sầu riêng đã đến lúc nghĩ đến việc sản xuất theo hướng bền vững, đa sản phẩm và phát triển ở những vùng sinh thái phù hợp.

Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, cây sầu riêng hiện là cây trồng đang phát triển rất mạnh ở tỉnh Đắk Lắk và mang lại giá trị kinh tế rất cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn.

Do đó, bà con nhân dân trồng sầu riêng đã đến lúc nghĩ đến việc sản xuất theo hướng bền vững, đa sản phẩm và phát triển ở những vùng sinh thái phù hợp. Đồng thời, tận dụng tất cả những lợi thế từ thiên nhiên để sản xuất ra sản phẩm có chi phí rẻ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Tránh việc ưu tiên phát triển năng suất cao trong một thời gian ngắn.

Thời gian tới, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng xây dựng một quy trình mang tính dài hạn.

"Với tầm nhìn dài hạn hơn, chúng tôi mong muốn phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật từ trồng trọt đến xuất khẩu để xây dựng các gói kỹ thuật đồng bộ, theo nhiều vùng sinh thái khác nhau. Từ đó, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và có những sản phẩm đồng đều về mặt chất lượng, đồng thời đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của nhà nhập khẩu", Tiến sĩ Phan Việt Hà thông tin.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho hay, hiện nay phía Trung Quốc – nước nhập khẩu sầu riêng lớn nhất đang siết chặt các yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, khoa học và công nghệ chính là "chìa khóa" để ngành hàng sầu riêng vượt qua thách thức. Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhằm nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng giai đoạn 2025–2030.

"Chúng tôi sẽ tổ chức kế hoạch lấy mẫu để đánh giá tình hình nhiễm Cadimi và vàng ô trên phạm vi toàn tỉnh để tìm ra nguồn gốc dẫn đến tồn dư trên sản phẩm. Về lâu dài, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của tỉnh để làm công cụ kiểm soát chất lượng sản phẩm của tỉnh một cách chủ động. Để đạt được mục tiêu lớn đó, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực và cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, chính quyền, cơ quan chuyên môn", ông Côn chia sẻ.

Ngày 20/5/2025, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4446/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với thông tin phản ánh của báo chí về "Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng ô". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí nêu trên, chủ động chỉ đạo, xử lý theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-doanh-nghiep-khang-dinh-khong-nhung-thuoc-van-phat-hien-chat-vang-o-trong-sau-rieng-204250521144203771.htm