Cả dân tộc đứng lên với niềm tin tất thắng

Bắt đầu từ 'mùa Thu rồi ngày hăm ba' đến Ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công đã kiên cường kháng chiến suốt 30 năm, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thắng lợi to lớn ấy, quân dân Mỹ Tho - Gò Công đã làm tròn sứ mệnh lịch sử 'đi trước về sau', góp phần đáng kể làm nên danh hiệu 'Thành đồng Tổ quốc' mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.

Ngày 23-9-1945 và ngày 19-12-1946, mãi mãi là những dấu son chói lọi, trở thành niềm tự hào, niềm tin và sức mạnh để nhân dân ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Tiền Giang đã lập nhiều chiến công có ý nghĩa to lớn trong năm 1947 như: Trận Giồng Đình (huyện Gò Công Đông), trận Long Thạnh (huyện Gò Công Tây), trận Cổ Cò (huyện Cái Bè), trận Giồng Dứa (huyện Châu Thành), góp phần đáng kể vào thắng lợi chung cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược lần thứ hai.

BƯỚC CHUYỂN LỚN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tiếp có những hành động khiêu khích, công khai mưu đồ xâm lược, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa đối với nước ta. Tháng 11-1946, chúng ngang nhiên đưa lực lượng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường, chiếm một số trụ sở của Chính phủ cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: Phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến.

Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta ở các tỉnh bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Tại Thủ đô Hà Nội, khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố tắt điện. Đó là hiệu lệnh chiến đấu toàn thành, mở đầu kháng chiến toàn quốc. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng đánh giặc cứu nước với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng.

"Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

(Trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu, quân dân ta giành thắng lợi quan trọng: thực hiện tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch trong thành phố, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, vật chất (ta đã vận chuyển được gần 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu ra vùng căn cứ); tranh thủ thời gian tổ chức cho hàng chục vạn nhân dân tản cư về vùng căn cứ, xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài.

75 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc cũng như giá trị lịch sử Ngày Toàn quốc kháng chiến. Thắng lợi của toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tạo cơ sở vững vàng cho ta giành được thành quả cách mạng trong những chặng đường tiếp theo.

QUÂN DÂN TIỀN GIANG CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG VÀ CHIẾN ĐẤU CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Bước vào năm 1946, lực lượng của ta gặp nhiều khó khăn, các lực lượng vũ trang đều không bám được địa phương. Bộ đội cộng hòa vệ binh một phần bị mất vũ khí, số ít nhập vào bộ đội Thủ Khoa Huân, còn phần lớn rút lên miền Đông. Dân quân ở phần lớn số xã bị mất vũ khí và không còn hoạt động được. Bộ đội Thủ Khoa Huân tập trung ở Bến Kè - Thạnh Lợi (tỉnh Tân An), lực lượng có 150 tay súng, nhưng đạn rất thiếu thốn. Cán bộ, chiến sĩ không được tập luyện chiến đấu. Các tổ chức quân nhu, cung cấp rất đơn sơ; tài chính, lương thực thiếu hụt. Cán bộ cơ sở bám trụ lại địa phương, trình độ còn non yếu, không biết phát động quần chúng, chủ yếu là nương náu chờ thời...

Chiến thắng Giồng Dứa trên địa bàn huyện Châu Thành của quân và dân ta làm chấn động dư luận trong và ngoài nước trong năm 1947.

Chiến thắng Giồng Dứa trên địa bàn huyện Châu Thành của quân và dân ta làm chấn động dư luận trong và ngoài nước trong năm 1947.

Trước tình hình đó, giữa tháng 3-1946, Hội nghị Quân dân chính tỉnh Mỹ Tho được triệu tập do đồng chí Nguyễn Văn Tiếp chủ trì, quyết định gấp rút xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu quân của tỉnh, tổ chức quốc vệ đội (lực lượng vũ trang chiến đấu thuộc Ty Công an) thay cho quốc gia tự vệ cuộc (Tổ chức tương tự Ty Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh) và cử đồng chí Nguyễn Tấn Thành làm ủy viên quân sự.

Tỉnh Mỹ Tho hình thành 3 lực lượng: Trung đội tự vệ chiến đấu quân do đồng chí Đoàn Hữu Huynh phụ trách. Tiểu đội quốc vệ đội do đồng chí Trần Hữu Danh phụ trách và Đại đội 1 vệ quốc đoàn do đồng chí Lê Chí Giảng chỉ huy. Giữa tháng 8-1946, Chi đội 17 vệ quốc đoàn được thành lập. Ban Chỉ huy chi đội gồm đồng chí Phan Đình Lân chi đội trưởng. Chi đội có 3 đại đội bộ binh 1, 2, 3. Sự kiện tỉnh Mỹ Tho xây dựng được đơn vị bộ binh tập trung lớn thể hiện sự trưởng thành của cuộc chiến đấu của quân và dân trong tỉnh.

Từ tháng 9 đến tháng 12-1946, chiến trường Mỹ Tho sôi động với hàng loạt các trận đánh lớn nhỏ. Nhiều đồn bót địch dọc theo kinh Xáng La-comb, ở các xã Đông Hòa, Phú Phong, Bình Đức, Long Định, Thuộc Nhiêu, Tân Hội Đông, Thân Cửu Nghĩa bị thiêu hủy. Đường ray xe lửa từ Mỹ Tho đi Sài Gòn liên tiếp bị phá, đường dây thông tin bị cắt. Các đội cảm tử đột nhập các nhà ga, các đoàn xe lửa, cướp súng, diệt bọn lính đi theo bảo vệ.

Các cầu trọng yếu trên lộ 16 như: Cầu Chùa (xã Long An), cầu Hòa Khánh (xã Hòa Khánh) bị đốt khiến giao thông địch bị tê liệt nhiều giờ, nhiều ngày. Hoạt động vũ trang của ta còn ép sát vào ngoại ô thị xã Mỹ Tho và nhiều nơi trên lộ 16 thuộc Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè tiến công đồn bót, phục kích bọn đi tuần tiễu, ném lựu đạn vào xe quân sự địch vận chuyển, đánh bắt bọn lính đi lẻ tẻ, cắt dây điện tín...

Lực lượng quân sự Pháp bị dàn mỏng ra để chiếm đóng nên đối phó rất lúng túng. Lực lượng cơ động của địch yếu ớt với phương tiện ít ỏi. Cho đến trước ngày 19-12-1946, Ngày Toàn quốc kháng chiến, trên chiến trường Mỹ Tho, ta đã chấm dứt thời kỳ rút lui, chuyển dần sang giai đoạn cầm cự. Thế giữa ta và địch đã dần chuyển lên ngang bằng. Ta đã có bộ đội chủ lực khá mạnh, có những đơn vị địa phương có mặt hầu khắp tại chỗ, áp dụng lối đánh du kích liên tục quấy rối tiêu hao địch, có những đơn vị cảm tử trừ gian thọc sâu đánh trong lòng địch.

Thời gian hơn 1 năm chống lại sức tiến công xâm lược ồ ạt của địch vào khu vực tỉnh Mỹ Tho, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là thời gian quân dân Tiền Giang thực sự được thử thách, trui rèn để trở nên dày dạn, bản lĩnh, trưởng thành hơn, có giá trị như một bước chuẩn bị hữu hiệu để đủ sức cùng với quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, nhưng nhất định thắng lợi.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/ky-niem-75-nam-ngay-toan-quoc-khang-chien-19-12-1946-19-12-2021-ca-dan-toc-dung-len-voi-niem-tin-tat-thang-940667/