Cà Đơ không còn cơ cực

Có dịp trở lại Cà Đơ - khu dân cư vùng sâu, vùng xa ở xã Lam Vỹ (Định Hóa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự 'thay da đổi thịt' của vùng đất này.

Tuyến đường dài 3km vào khu dân cư Cà Đơ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng.

Tuyến đường dài 3km vào khu dân cư Cà Đơ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng.

Nằm cách trung tâm xã Lam Vỹ khoảng 8km, Cà Đơ là một chòm xóm nằm lọt thỏm giữa thung lũng, bao quanh là những dãy núi trùng điệp. Ở đây chỉ có 18 hộ dân với trên 70 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao.

Trên con đường phẳng phiu dài 4km lên thẳng trung tâm chòm xóm, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn về phía xa có thể thấy toàn bộ xóm Bình Sơn và một phần của xã Lam Vỹ. Được biết, con đường này mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 với kinh phí trên 3 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư 100%. Nhưng để đổ bê tông được toàn tuyến, 18 hộ trong xóm đã hiến gần 1ha đất để hoàn thiện con đường đến tận những hộ ở xa nhất.

Ông Triệu Văn Đạo, một người dân trong xóm, tâm sự: Trước đây đi xuống trung tâm xã vào ngày mưa to có khi mất cả buổi vì đường đất lầy lội, dốc cao rất nguy hiểm. Giờ có đường đẹp, đi lại rất thuận tiện.

Cũng nhờ có đường mới nên việc giao thương của người dân dễ dàng hơn trước rất nhiều, bà con chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như gia đình ông Đặng Văn Chiêu mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi trên 20 con dê, 2 con lợn nái và gần chục con lợn thịt.

Ông Chiêu cho biết: Con đường như khơi thông bế tắc trong phát triển kinh tế ở Cà Đơ. Từ khi có đường mới, việc giao thương, buôn bán dễ dàng, thương lái không còn vào ép giá nông sản của bà con như trước. Cũng nhờ vậy mà gia đình tôi càng hăng hái sản xuất.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động bà con tích cực xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Mô hình chăn nuôi dê, lợn của gia đình ông Đặng Văn Chiêu cho thu nhập 40-50 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi dê, lợn của gia đình ông Đặng Văn Chiêu cho thu nhập 40-50 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền xã Lam Vỹ còn tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, như: Tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi; tham mưu với cấp trên đưa nguồn hỗ trợ cây giống, con giống, mô hình kinh tế về đây; phối hợp với đơn vị chức năng hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng, canh tác…

Nhờ đó, đến nay ở Cà Đơ chỉ còn 5 hộ nghèo, giảm hơn 10 hộ so với cách đây 5 năm, hầu hết các gia đình đã có từ 1-2 chiếc xe máy, nhiều hộ đầu tư mua máy gặt, máy làm đất, cắt cỏ, xay xát thóc… để vừa phục vụ gia đình vừa làm thuê cho các hộ khác.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, gần chục hộ người Dao đã di cư đến mảnh đất Cà Đơ sinh sống. Ngày đó, bà con còn sống du canh, du cư với những phong tục tập quán lạc hậu. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con định canh, định cư, tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Năm 2015, Cà Đơ được đón điện từ lưới điện quốc gia, thỏa lòng mong ước của bà con nơi đây.

Anh Vi Văn Tới, một người lớn lên ở đây, kể lại: Lúc chưa có điện sinh hoạt, đời sống vô cùng khó khăn, nhà nào kinh tế khá hơn một chút thì có đèn pin dùng để thắp lúc sinh hoạt buổi tối, còn lại chủ yếu vẫn dựa vào ánh sáng le lói của ngọn đèn dầu. Có những đợt trời mưa to kéo dài, không ra ngoài trung tâm xã mua được dầu hỏa để thắp đèn thì các gia đình chủ yếu sinh hoạt trong bóng tối, chập choạng bên bếp lửa… Còn bây giờ có điện, cứ đến buổi tối là các gia đình quây quần xem tivi, đọc tin tức, trò chuyện với bạn bè, người thân qua điện thoại.

Gia đình ông Triệu Văn Tiến có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng rừng.

Gia đình ông Triệu Văn Tiến có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng rừng.

Còn ông Triệu Văn Tiến không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhắc đến cuộc sống hiện tại. Ông Tiến kể: Gia đình tôi mới thoát nghèo được hơn 1 năm nay nhưng cũng mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập. Hiện nay, gia đình đang nuôi 12 con bò, trồng khoảng 5ha rừng và gần chục sào ruộng. Nhờ đó năm vừa rồi đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Kinh tế cải thiện, gia đình tôi đã sắm được 2 chiếc xe máy, tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh và mới đây là cả máy điều hòa để sử dụng.

Đồng chí Đào Thị Bảy, Bí thư Chi bộ xóm Bình Sơn, chia sẻ: Cùng với giao thông phát triển, có điện lưới quốc gia, hiện nay ở Cà Đơ đã có điểm trường, từ đó giúp các cháu học sinh đi học dễ dàng, thuận tiện, không còn cảnh phải trèo đèo, lội suối đi tìm con chữ như trước đây. Nhà văn hóa xóm Bình Sơn được xây mới khang trang trong năm nay, rộng trên 200m², nằm cách khu Cà Đơ chỉ 5 phút đi xe, là nơi giao lưu, tập luyện văn hóa văn nghệ, thể thao cho bà con trong xóm…

Chia tay người dân Cà Đơ trong ráng chiều, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng máy cày làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa mùa vụ mới, cùng hình ảnh người dân chở nông sản ra khu trung tâm xã, rồi ra huyện. Đó là những tín hiệu vui về sự “thay da đổi thịt” ở mảnh đất vùng sâu, vùng xa đang cập chuẩn NTM này. Và ký ức về những năm tháng đời sống vô cùng cơ cực của người dân Cà Đơ giờ chỉ còn là hoài niệm xa xăm.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202309/ca-do-khong-con-co-cuc-4ad4f92/