Cả khu du lịch tự làm điện mặt trời để dùng, ít khi cần điện lưới
Chủ khu du lịch này tự hào khoe, hệ thống điện mặt trời mái nhà đủ cung cấp điện cho cả khu, rất ít khi phải dùng điện lưới quốc gia.
Lời tòa soạn:
Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thể hiện rõ nét khi GDP quý II đạt gần 7%, đưa GDP nửa đầu năm đạt mức tăng 6,42%. Góp chung vào quá trình phục hồi đó là sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương, trong đó có câu chuyện bứt phá của Khánh Hòa sau 2 năm lao đao vì Covid-19. Những thay đổi về tư duy và hành động, cùng khả năng nắm bắt xu hướng 'xanh' đã tạo nên con số tăng trưởng đi cùng nhiều điều mới mẻ của địa phương này.
Tuyến bài "Khánh Hòa làm mới các động lực tăng trưởng" được VietNamNet thực hiện mô tả hành trình vượt khó vươn lên và đón đầu xu thế của địa phương này.
Bài 1: Cách Khánh Hòa trở lại đường đua, lọt nhóm tăng trưởng dẫn đầu cả nước
Bài 2: Giữa khơi xa nuôi biển công nghệ cao, ngư dân Khánh Hòa thu tiền tỷ
Bài 3: Làm giàu từ siêu thực phẩm 'rớt tới đâu, biển sạch đến đó'
Chặt một cây cũng phải suy nghĩ
Ngay cổng vào của Phan Gia Xanh Garden ở xã Diên Đồng (Diên Khánh, Khánh Hòa) treo tấm biển lớn: “Sử dụng năng lượng xanh góp phần bảo vệ môi trường”. Trên tấm biển ghi rõ nội dung về hệ thống điện mặt trời được lắp đặt từ ngày 2/4/2023, loại tấm pin và nguồn điện sạch này giúp giảm 36 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.
Anh Võ Ngọc Hân, chủ khu du lịch này tự hào khoe, hệ thống điện mặt trời đủ cung cấp điện cho cả khu du lịch, rất ít khi phải dùng tới điện lưới quốc gia.
Ngay từ đầu, anh Hân và vợ mình xác định xây dựng một khu tổ hợp đa dịch vụ, gồm nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch sinh thái kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, vui chơi giải trí và homestay theo hướng xanh, không phát thải khí nhà kính.
Trước năm 2020, toàn bộ khu đất gần như bỏ hoang, gia đình anh Hân cho bà con mượn trồng rau màu, xung quanh cây dại mọc um tùm. Mãi đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, anh lên đây với ý định xây một căn nhà nhỏ, làm thêm một vườn rau để cuối tuần cả gia đình nghỉ ngơi thư giãn.
“Không gian thoáng đãng, không khí trong lành, chim bay nhảy hót líu lo” là những gì anh Hân cảm nhận được. Thế nên, thời gian tạm ẩn lánh dịch Covid-19 cũng là lúc vợ chồng anh quyết định biến mảnh đất hoang này thành khu du lịch sinh thái đa dịch vụ, với mong muốn nhiều người có không gian nghỉ ngơi, hòa mình vào thiên nhiên. Cứ thế, từng hạng mục được xây dựng và giờ trở thành khu du lịch xanh.
“Chúng tôi hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Rác thải hữu cơ được ủ làm phân bón cho cây trồng. Rau quả được thu hoạch đem chế biến thành một số món ăn phục vụ du khách”, anh Hân nói.
Trung bình một tháng khu du lịch đón khoảng 1.500 du khách. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, rất nhiều đoàn học sinh đến trải nghiệm các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi... Trong quá trình hoạt động, mọi vật dụng, vật liệu sử dụng đều thân thiện môi trường, không có rác thải nhựa.
Ngay cả tên gọi “Phan Gia Xanh Garden cũng có chữ Xanh”. Anh Hân cười nói và giải thích, Khánh Hòa có biển nên chữ “Xanh” mang một phần ý nghĩa màu xanh của biển cả; màu “Xanh” của nông nghiệp mà mô hình du lịch sinh thái anh đang hướng đến và cuối cùng là “Xanh” trong bảo vệ môi trường, không phát thải khí nhà kính.
Phát triển du lịch theo hướng này, anh Hân cho rằng rất khó và tốn kém. Bằng chứng, nguồn vốn đầu tư vào khu du lịch đến giờ “không đếm xuể”. Thế nhưng, vợ chồng anh vẫn kiên trì theo đuổi, chưa từng có ý định bỏ cuộc vì muốn đóng góp một phần vào công cuộc chuyển đổi xanh, muốn giúp bà con nông dân quảng bá các sản phẩm nông sản trực tiếp tới du khách.
Không chỉ Phan Gia Xanh, nhiều mô hình du lịch ở Khánh Hòa cũng đang trong xu hướng "Xanh" như vậy.
Trên đảo Hoa Lan rộng hơn 40ha tại xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) có hàng nghìn du khách đang tắm biển, vui chơi, ăn uống... nhưng không thấy bóng dáng của rác thải nhựa.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú (đơn vị đang vận hành và khai thác du lịch ở đảo Hoa Lan), giới thiệu đây là khu du lịch sinh thái - loại hình du lịch xanh thuận tự nhiên. “Suốt quá trình phát triển khu du lịch từ năm 1998 đến nay, chặt một cây xanh chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều”, ông nói.
Theo ông, du lịch sinh thái thuận tự nhiên là mô hình rất kén khách nhưng "chất", đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn mọi thứ của tự nhiên. Thay vì lấy dịch vụ để áp lên khu du lịch, công ty lấy thiên nhiên để phát triển dịch vụ. Các hoạt động vui chơi, giải trí của du khách trên đảo được xây dựng dựa trên nền tảng tự nhiên có sẵn.
Ông Đức dẫn chứng, trên đảo có rừng ngập mặn, có các loài thực vật, động vật bản địa. Công ty mở lối cho du khách chèo xuồng vào rừng tìm hiểu hệ sinh thái. Mỗi gốc cây đều gắn mã QR code để du khách có thể quét mã tìm hiểu về tên, đặc điểm sinh trưởng của cây. Trong rừng ngập mặn cũng quy hoạch một vùng sinh thái để khách trải nghiệm bắt tôm, cua, cá; hay tổ chức các chương trình đua ngỗng, biểu diễn xiếc chim hấp dẫn...
Còn về túi nilon và chai nhựa, ông Đức nói "mấy năm nay đã vắng bóng trên đảo Hoa Lan rồi”.
“Mới đầu thuyết phục khách rất khó. Nhưng khi khách thấy dịch vụ, đồ ăn trên đảo giá rất phải chăng, ví như ly sinh tố chanh leo này chỉ 25.000 đồng - trái cây nhà trồng vừa sạch vừa rẻ - nên lâu dần khách cũng hiểu, không mang thức ăn lên đảo nữa. Vấn đề rác thải nhựa dần được giải quyết”, ông nói thêm.
Điều khiến ông Đức vui hơn là mô hình du lịch sinh thái này ngày càng hút khách, số lượng tăng mạnh theo từng năm. Đến nay, trung bình mỗi ngày đảo đón từ 800-1.000 khách ghé qua trải nghiệm các dịch vụ và lưu trú.
Cần tăng trưởng nhưng cũng phải “xanh”
Khánh Hòa là một trong những tỉnh top đầu cả nước về phát triển du lịch. Nhiều năm qua, địa phương này trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du lịch Khánh Hòa đã trở ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Năm 2023, tỉnh đón 7,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 181,6% so với năm 2022, doanh thu đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 142,8%.
6 tháng đầu năm nay, khách lưu trú đạt gần 5,2 triệu lượt, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu ước khoảng 26.072 tỷ đồng, tăng 97%.
Với mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng nhanh như những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, ngành du lịch đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến và quảng bá ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.
“Chúng tôi tổ chức hàng loạt chương trình ở Khánh Hòa nhằm thu hút khách du lịch”, bà nói và dẫn chứng, chương trình Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 giữa tháng 6 vừa qua thu hút khoảng 400.000 lượt du khách. Mới đây, Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 với chủ đề “Ngân hà rực rỡ” là cuộc thi trình diễn drone light lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cũng rất hấp dẫn du khách.
"Những sự kiện, hoạt động mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức liên tục góp phần giúp du lịch Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng mạnh", bà Thanh cho hay.
Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển như các vấn đề về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý môi trường; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; ứng phó với tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu…
Do đó, bà Thanh cho rằng, du lịch Khánh Hòa cần tăng trưởng nhưng cũng phải “xanh”. Đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững mà ở đó ngành du lịch còn rất nhiều việc phải làm.
Tháng 4 vừa qua, Khánh Hòa đã tổ chức diễn đàn "Phát triển du lịch xanh và bền vững" nhằm tìm kiếm các giải pháp thiết thực đưa ngành hàng thế mạnh của tỉnh phát triển theo hướng “xanh một cách toàn diện”.
Khánh Hòa cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh “du lịch có trách nhiệm”, đầu tư bền vững, đầu tư xanh; khuyến khích tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường, có hệ thống xử lý chất thải, nước thải; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần và các sản phẩm làm từ vật liệu không tái chế.
“Các nhà hàng, khách sạn đều đã ký cam kết sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, hạn chế rác thải nhựa”, bà Thanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng xây dựng phương án sử dụng hợp lý các lợi ích có được từ việc bảo tồn đa dạng sinh học biển và trên các đảo, như việc phát triển du lịch sinh thái cấp cộng đồng, người dân được tham gia các hoạt động bảo tồn và được sử dụng các giá trị có được từ bảo tồn để chuyển đổi nghề nghiệp và cải thiện sinh kế bền vững.
Bà Thanh cũng cho rằng, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển trước khi cấp phép. Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan và môi trường.
Trong hành trình chuyển đổi xanh, Giám đốc Sở Du lịch còn cho hay, Khánh Hòa ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá về tầm nhìn, kiến thức và kỹ năng trong phát triển du lịch xanh và bền vững.
Việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của du khách và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cũng được địa phương quan tâm thực hiện.
“Không xả rác bừa bãi, hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, chung tay dọn rác tại khu, điểm du lịch... có thể là những hành động rất nhỏ bé. Song, nhiều người cùng làm, nhiều doanh nghiệp du lịch cùng tham gia sẽ là hành động lớn để bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và du lịch Khánh Hòa sẽ xanh, bền vững”, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa kỳ vọng.