Ca khúc mang phần ký ức của nhiều thế hệ
Vậy là tròn 50 năm kể từ ngày 30/4/1975, ngày đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước sau bao năm chia cắt. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân.

Những ngày này, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, trên các nền tảng mạng xã hội lại vang lên những ca khúc viết về sự kiện đặc biệt. Có thể kể đến các nhạc phẩm như “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao; “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà; “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên…
Các tác phẩm đều mang âm hưởng hùng tráng, thể hiện niềm vui sướng tột độ của nhân dân Việt Nam khi chiến tranh kết thúc, non sông thu về một mối. Đất nước bước vào mùa xuân - mùa khởi đầu của năm - với bao hy vọng mới.
"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng, sáng tác ngay sau ngày 30/4/1975. Nhạc sĩ Xuân Hồng từng sáng tác ca khúc "Xuân chiến khu" cổ vũ tinh thần chiến đấu, nay lại viết về mùa xuân hòa bình, đánh dấu một chặng đường lịch sử mới.
Tác giả chọn nhịp 2/4 khỏe khoắn, lời ca trong sáng, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi đẹp. Tiết tấu bài hát nhanh, giai điệu rộn ràng, mang đậm màu sắc của bản hành khúc vui tươi. Tác giả còn sử dụng tone nhạc trưởng, mang đến cho người nghe cảm giác hân hoan, phấn khởi, phù hợp với chủ đề ca ngợi mùa xuân mới và sự phát triển của đất nước.
Để viết được những ca từ nhí nhảnh hồn nhiên này, tác giả đã rất náo nức, hào hứng, muốn lan tỏa niềm vui tràn trề của mình đến mọi người. Người vui, cảnh vui, vạn vật phơi phới, nao nức: Cờ sao tung bay cao/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/nước thêm trong dòng sông Bến Nghé/chợ thêm đông chợ vui Bến Thành/… Bài hát chỉ có 2 khổ ngắn và phần điệp khúc, dễ thuộc, dễ phối cho đơn ca, tốp ca, đồng ca. Đó cũng là lý do để sau khi ra đời, ca khúc được công chúng nhanh chóng đón nhận và phổ biến rộng khắp.
Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ, bởi đất nước này và thành phố Sài Gòn vừa được mang tên Bác, vừa viết lên bản “Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”.
Ý nghĩa của ngày Đại thắng đã được Đảng ta khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Nhạc sĩ Xuân Hồng sinh năm 1928 (mất năm 1996), là người có nhiều năm gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh. Ông tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Châu Thành, Tây Ninh, tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1960, ông làm chính trị viên, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng.
Năm 1967, ông tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam rồi trở lại chiến trường tiếp tục hoạt động. Sau năm 1975, ông từng là Trưởng Phòng Nghệ thuật sân khấu Sở Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV.
Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn ghi-ta của đại đội ba”, “Người mẹ của tôi”...
Tác phẩm “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu đã mang đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho ông (năm 2000).