Đêm hòa bình đầu tiên, Hà Nội không ngủ!

Năm 1973, sau Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, chúng tôi bị thương, phải giải ngũ, trở về trường đại học học tiếp. Hơn 10 thương binh lớp Văn chúng tôi, người cụt chân, người 'thủng sọ', 'thủng nhĩ', được ở chung một căn phòng cho tiện sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là phòng ký túc xá nhà trường ưu tiên cho thương binh, có đủ giường sắt hai tầng, lại gần giảng đường, rút ngắn quãng đường cho các thương binh chống nạng.

Từ các chiến trường miền Nam trở về học, chúng tôi, trong những ngày tháng đó, đều sống trong tâm trạng thất vọng, buồn bã, thậm chí bi quan. Chúng tôi học trong nỗi mặc cảm của những người đàn ông mang nợ với non sông. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang dang dở, chúng tôi đã bị loại khỏi chiến trường. Không may bị thương, chúng tôi để lại nhiệm vụ chiến đấu vô cùng khốc liệt, nặng nề cho những người đồng đội còn khỏe mạnh, lành lặn trong đơn vị. Phần lớn chúng tôi không muốn học. Các bài thi đều bị điểm kém, các thầy giáo vớt lên điểm trung bình. Chúng tôi đọc cho nhau nghe lại nhiều lần hai câu thơ của Tố Hữu: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Ngồi nghe và đọc văn thơ trong tiếng vọng của bom đạn từ phương trời xa bay ra, chúng tôi thấy văn chương trở nên nhẹ bỗng, có trọng lượng quá nhẹ trước thực tế cuộc đời.

Rằm tháng Giêng năm 1975, phòng thương binh chúng tôi ngắm trăng qua cửa sổ. Một nhà thơ trẻ trong nhóm phát hiện ra rằng trăng Nguyên tiêu năm 1975 này đỏ hơn trăng Nguyên tiêu năm trước, chắc là đất nước sẽ có nhiều biến động, chiến trường năm nay đổ máu nhiều hơn. Lời chiêm tinh ấy có lẽ không nhầm. Vì chỉ một tuần sau, chúng tôi đã nghe tin Quân giải phóng nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Rồi mấy tuần sau, có tin chiến thắng Trị Thiên-Huế. Sau ngày Huế giải phóng, nhà báo Hoàng Tùng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân xuống Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chuyện thời sự. Hội trường ghế ngồi chật kín, cửa sổ không còn một kẽ hở cho người nghe ghé mặt nhìn vào. Loa đài của hội trường ọ ẹ, không lọt tiếng động ra ngoài. Chúng tôi chỉ nhìn thấy bàn tay ông vung cao trước tấm bản đồ Tổ quốc. Ông quét một đường thật dài từ khoảng vĩ tuyến 17 xuống phía Nam. Không nghe được lời ông, nhưng ai cũng hiểu động thái khoáng đạt ấy có ý nghĩa gì, vì vậy cả hội trường vỗ tay như sấm dậy.

Các sinh viên-thương binh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy. Ảnh tư liệu

Các sinh viên-thương binh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy. Ảnh tư liệu

Tháng 3 sang tháng 4 đã trở thành những tháng sinh viên học rất khó vào, mà thầy dạy cũng khó thông. Ngày 29-3, nghe tin Đà Nẵng được giải phóng, giáo sư dạy môn Ngôn ngữ học đại cương đang giảng bài tự nhiên nín lặng một hồi, đứng im như hóa đá. Lát sau, ông cất tiếng nghẹn ngào: “Tôi là người Đà Nẵng, tập kết ra Bắc. Cứ nghĩ hai năm sẽ trở về, ai ngờ đợi chờ đã qua hai chục năm. Tôi sắp được về tìm mẹ. Con đường về quê đã mở ra rồi”. Mấy giờ học tiếp theo ông dạy “lạc đề”. Giáo trình ngôn ngữ học hóa thành các bài học về lịch sử quân sự Việt Nam. Thầy trò bàn chuyện chiến sự. Câu chuyện thời sự chiến trường mỗi ngày một rôm rả khi trong nhóm thương binh chúng tôi có một người đi mua dây đồng quấn tụ điện chế tạo máy thu thanh, bắt được sóng đài Sài Gòn, tức là nghe “đài địch”. Thua trận, đài Sài Gòn đưa tin rất thật, nghe thật hả lòng. Và cũng lần đầu tiên chúng tôi nghe tin ta giải phóng Trường Sa, cùng tin máy bay của phi công Nguyễn Thành Trung “phản chiến”, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Vậy là ta đang giải phóng cả biển, cả trời.

Đến ngày Quân giải phóng đánh Xuân Lộc tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, phòng thương binh vắng bốn năm người. Giờ điểm danh, thầy giáo chủ nhiệm lớp nhận bốn năm giấy xin phép nghỉ học, lý do là “đi viện điều trị vết thương tái phát”. Chúng tôi thì thầm rỉ tai nhau, giữ kín chuyện cho mấy ông trốn học. Chẳng có ông nào tái phát vết thương, chỉ có tái phát cơn thèm chiến trận. Không kiềm chế được nỗi khao khát chiến thắng của người lính đặc công, mấy ông rủ nhau trở lại đơn vị xin ra trận. Nhưng một tuần sau các vị lục tục trở về, mặt mày hốc hác. Có đoàn xe quân sự nào đi về phương Nam lại dễ dãi nhận vào thùng xe những ông thương binh cụt, què, sốt rét. Tôi cũng thèm niềm vui thắng trận nên bí mật tìm về đơn vị đang đóng quân cách ký túc xá Mễ Trì không đầy 30km. Đến nơi, doanh trại đã bỏ hoang, không biết tung tích nơi nào. Mãi sau này tôi mới biết Sư đoàn 308 của tôi không tham gia chiến dịch, phải ở hậu phương, làm nhiệm vụ hành quân nghi binh đánh lừa địch và sẵn sàng bảo vệ miền Bắc, đề phòng Mỹ đưa quân trở lại Việt Nam.

Trưa 30-4, chúng tôi còn đang ngồi trong giảng đường tầng 4, chợt nghe dưới sân trường xôn xao tiếng la hét, khóc, cười. Bằng linh cảm của người lính, chúng tôi đoán chuyện gì rất trọng đại đã xảy ra. Thầy giáo tuyên bố nghỉ trước giờ, rồi cùng kéo nhau chạy xuống cầu thang rầm rập. Cả ký túc xá chỉ có một chiếc loa truyền thanh nên bản tin đặc biệt đã phát qua một lúc. Chúng tôi hỏi đi hỏi lại những người được trực tiếp nghe tiếng nghệ sĩ Kim Cúc đọc thông cáo đặc biệt. Có người nghe rồi nhưng vẫn hồ nghi, không tin vào tai mình. Tất cả đều sung sướng ôm nhau, nhưng rồi lại nhìn nhau ngơ ngác, tụ tập dưới chân cột treo loa phóng thanh chờ bản tin phát lại. Có nhiều sinh viên bỏ suất cơm tập thể, tìm đến những gia đình có radio ngồi chờ bản tin chiến thắng phát lại.

Mấy thương binh bị "thủng nhĩ" là những người khổ nhất. Các ông bị bạn bè đồng đội quát đi quát lại vào tai bản tin chiến thắng, mặc dù các ông đã nghe thủng câu chuyện từ lâu rồi. Mọi người mượn các lỗ tai thương binh điếc làm cái cớ để hét to lên niềm vui hạnh phúc của muôn người. Tôi kéo thêm mấy người ra con đường lớn, hướng về cột phát sóng Mễ Trì của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi nửa đi, nửa chạy mà không biết mình đến đó định làm gì. Chạy mệt rồi chúng tôi mới nằm vật ra cánh đồng cỏ nằm thở. Chúng tôi hít thật sâu, cho ngực căng phồng, tận hưởng cái không khí trong lành của giờ phút hòa bình đầu tiên. Có người đọc lên vang váng câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi, nhưng lúc đó lại quên tên tác giả: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta...”. Đúng là trời lúc này như cao hơn, xanh hơn bầu trời thời chiến tranh. Đúng là “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Từ nay trời sẽ trong xanh mãi, vì từ hôm nay, sẽ vĩnh viễn không còn vẩn đục những vệt khói máy bay thù.

Trở lại ký túc xá, chui vào phòng thương binh, chúng tôi gặp một buổi liên hoan văn nghệ không cần nhạc đệm. Những chiếc giường sắt, soong, nồi, chậu nhôm đã biến thành nhạc cụ. Có ông thương binh lôi bộ nạng gỗ có đầu bịt sắt ra đập vào thành giường làm nhạc đệm cho hành khúc “Tiến về Sài Gòn... Giải phóng thành đô”.

Chợt có tin đưa không biết từ đâu: Đêm nay, 30-4, có mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn và diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Không cần xác định thực hư, phòng thương binh chúng tôi dìu nhau lên đường, đi bộ, không cần tàu điện. Đường từ ký túc xá đến Bờ Hồ dài 12km mà lúc này chúng tôi vẫn thấy ngắn. Những thương binh chống nạng lóc cóc bám theo đoàn, không cần người cõng. Đã từng đeo ba lô lội suối trèo đèo, vượt Trường Sơn hàng nghìn cây số là để có đoạn đường mừng chiến thắng này đây. Chục cây đi đường nhựa thì có sá gì.

Hà Nội năm 1975 rất ít đèn đường, nhưng không gian thông thoáng. Chúng tôi đi nhằm theo hướng ngôi sao Bắc đẩu. Chúng tôi nhớ câu thơ năm trước hay đọc ở chiến trường: “Không ai phút này cảm thấy cô đơn/ Ngôi sao lớn dần xanh từ phương Bắc/ Sao phía quê nhà soi ta đánh giặc/ Trên quảng trường xưa in bóng Bác Hồ...”. Bầu trời đêm đó sao dày. Nhìn những ngôi sao li ti, chúng tôi rơm rớm nước mắt, nghĩ tới các liệt sĩ-đồng đội, những người đã lặng lẽ hy sinh rải rác khắp các chiến trường, để lại cho chúng tôi, các thương binh được sống, đặc biệt là được hưởng niềm vui chiến thắng hôm nay.

Đêm ấy là đêm 20 tháng Ba âm lịch, đã vào cuối tuần trăng. Bờ Hồ ít đèn nhưng khuôn mặt ai cũng sáng. Không có mít tinh, nhưng thay vào đó là những đoàn diễu hành tự phát xuôi ngược cả hai chiều đường. Mọi người ca vang những bài ca cách mạng. Tiểu đội thương binh chúng tôi chọn một dàn đồng ca bộ hành có phong cách nhạc ôn hòa nhất, tham gia ca hát. Chúng tôi hát đến lạc giọng. Chúng tôi hát chờ trăng lên. Đúng 11 giờ đêm, vầng trăng hạ tuần đã nhô lên sau lưng Nhà hát Lớn. Chúng tôi vỗ tay chào trăng. Vầng trăng khuyết màu bạc hình như đã hao mòn sau mấy tháng chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân Ất Mão. Có tiếng pháo tép nổ giòn tan trên mặt đường. Lại có tiếng quát tháo gay gắt: “Đừng đốt, ta chán nghe tiếng nổ lắm rồi”. Nhưng liền sau đó tiếng pháo lại nổ tiếp. Có lẽ đó là những tràng pháo Tết còn sót lại hoặc đã chủ ý để dành cho ngày vui đêm nay. Khi phát hiện ra người vừa quát tháo là một thương binh cụt chân trong dàn đồng ca chúng tôi, mấy cậu học sinh vội chạy lại, bốc anh thương binh lên vai, công kênh, vừa để tôn vinh, vừa ra ý hối lộ, làm lành.

Đêm 30-4-1975, với Thủ đô Hà Nội là một đêm không ngủ. Đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất toàn vẹn non sông.

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/dem-hoa-binh-dau-tien-ha-noi-khong-ngu-826123