Ca mắc mới tăng cao, số lượng bệnh nhân tử vong đang được kiểm soát

Số ca mắc mới trong ngày tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh. Tín hiệu đáng mừng là số bệnh nhân tử vong vẫn dưới ngưỡng 100 người.

Trong ngày đầu tiên của tháng 3, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, gần chạm ngưỡng 100.000 ca bệnh. Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cả nước hiện tại hơn 3,5 triệu ca, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài công tác ứng phó với số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế và các địa phương đang tập trung giải quyết các vấn đề trong mua bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi và tập trung nguồn lực y tế để quản lý, điều trị F0.

Bộ Y tế kiểm soát việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19

Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường biện pháp quản lý mua bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir.

Ngày 17/2, Bộ Y tế đã khẩn trương xem xét và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị Covid-19 . Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng Molnupiravir tăng cao.

 Thuốc Molnupiravir của Stellapharm. Ảnh: Stellapharm.

Thuốc Molnupiravir của Stellapharm. Ảnh: Stellapharm.

Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sở y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định.

Đặc biệt là chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu... Đặc biệt là kiểm tra giá bán niêm yết, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và khởi tố vi phạm nếu có dấu hiệu hình sự.

Việt Nam công bố liều lượng vaccine Covid-19 cho trẻ em

Ngày 1/3, Bộ Y tế có văn bản phê duyệt vaccine Pfizer dùng để tiêm cho trẻ em. Theo quyết định này, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19. Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Về dạng bào chế, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm. Trong khi với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

 Bộ Y tế phê duyệt vaccine Pfizer liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ em 5-11 tuổi. Ảnh: Duy Hiệu.

Bộ Y tế phê duyệt vaccine Pfizer liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ em 5-11 tuổi. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer để tổ chức tiêm cho các trẻ trong nhóm tuổi này.

Hiện tại, Bộ Y tế tiếp tục đốc thúc các địa phương tăng cường tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2.

Bộ cũng đề nghị các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

5 tỉnh, thành chuyển "vàng" sang "cam"

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại địa phương trên Cổng thông tin Bộ Y tế, tính đến tối 1/3, cả nước hiện có 5 tỉnh, thành tăng cấp độ dịch, chuyển từ cấp độ 2 - vùng vàng lên vùng cam, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ và Yên Bái.

Việt Nam hiện có 39 tỉnh, thành phố thuộc vùng xanh - cấp độ 1, giảm 6 địa phương so với tuần trước đó.

Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch theo phạm vi xã, phường, thị trấn, hiện cả nước có 5.410 (51%) xã thuộc cấp độ 1, 2.939 xã thuộc cấp 2; 1.871 xã thuộc cấp độ 4 và 365 xã thuộc cấp độ 4.

 Bản đồ cấp độ dịch Covid-19 tại Việt Nam tính đến tối 1/3.

Bản đồ cấp độ dịch Covid-19 tại Việt Nam tính đến tối 1/3.

Hơn 98.000 F0 ghi nhận trong 24 giờ

Theo công bố của Bộ Y tế tối 1/3, Việt Nam phát hiện thêm 98.762 ca nhiễm trong 24 giờ tại 63 tỉnh thành, trong đó, số ca dương tính phát hiện tại cộng đồng là 66.861 và 47.264 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc vùng phong tỏa.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Giang cũng đăng ký bổ sung 15.382 ca F0 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Hà Giang cao nhất cả nước với 17.826 ca. Tổng cộng Việt Nam công bố 114.125 F0 trong ngày 1/3, cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam ghi nhận 86 ca tử vong trong ngày 1/3. Trong đó, Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 20 trường hợp. Số ca tử vong tại Việt Nam trong 7 ngày qua vẫn duy trì ở mức gần 80 đến hơn 110 trường hợp.

So sánh tháng này với tháng trước, số ca mắc mới tăng 143,3%, tuy nhiên, số ca tử vong giảm hơn 48,7%, số ca nặng, nguy kịch ít hơn 46%.

Ngoài ra, số ca khỏi bệnh tăng 38,3% so với tháng trước, trường hợp cần can thiệp biện pháp hỗ trợ hô hấp như thở oxy ít hơn gần 40%, số trường hợp thở máy xâm lấn cũng giảm 53,8%.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù số trường hợp nhiễm mới tại Việt Nam trên đà tăng cao do biến chủng Delta và Omicron song hành, tuy nhiên, trường hợp bệnh nặng, ca nhập viện và tử vong đang được ngành y tế kiểm soát.

* Hà Nội tập trung điều trị F0 nặng

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 28/2, số bệnh nhân đang được điều trị là 556.447, trong đó có 548.868 người theo dõi cách ly tại nhà; 1.156 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và quận, huyện, thị xã; 6.063 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố.

Ngoài ra, 2 bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đang điều trị 360 ca F0 nặng.

 Phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) vắng vẻ trong những ngày số ca nhiễm tại Hà Nội tăng cao. Ảnh: Nhật Sinh.

Phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) vắng vẻ trong những ngày số ca nhiễm tại Hà Nội tăng cao. Ảnh: Nhật Sinh.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, chiến lược của Hà Nội là tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong.

Để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố vẫn ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân. Trong tình huống xảy ra kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, theo tính toán khả năng thu dung, điều trị, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

* 67 xã, phường tại Lào Cai là vùng đỏ

Theo đánh giá cấp độ dịch của UBND tỉnh, hiện Lào Cai có 25/152 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1, 47 xã, phường, thị trấn cấp độ 2, 13 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 và 67 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao).

 Tỉnh Lào Cai hiện là vùng cam.

Tỉnh Lào Cai hiện là vùng cam.

Ngày 1/3, Lào Cai ghi nhận 3.398 trường hợp mắc Covid-19, nhiều nhất ở TP Lào Cai với 1.344 người. Hiện toàn bộ TP Lào Cai đều trở thành vùng đỏ.

Hiện tổng số bệnh nhân được điều trị tại tỉnh này là 18.903 người. Trong đó, 18.065 trường hợp không triệu chứng; 803 người có triệu chứng nhẹ; 22 trường hợp có triệu chứng vừa; 13 người có triệu chứng nặng.

Số người được can thiệp biện pháp hô hấp gồm: 11 trường hợp thở oxy qua mask, một trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), một trường hợp thở máy xâm lấn.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-covid-19-tang-cao-luong-f0-tu-vong-dang-duoc-kiem-soat-post1299679.html