Cà Mau: Đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử
Cà Mau đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận và đánh giá, thương mại điện tử tỉnh Cà Mau đã và đang có những bước phát triển nhanh, mạnh.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số, thương mại điện tử đang trở thành chìa khóa giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với trách nhiệm được giao, Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã có những bước đi tiên phong trong việc phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bắt nhịp với xu hướng hiện đại hóa.
Năm 2024, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Các chương trình này trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng thực hành để kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee. Đặc biệt, việc hướng dẫn sử dụng công cụ livestream trên các nền tảng này đã tạo ra sự đột phá trong cách quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Các sản phẩm OCOP đặc trưng của Cà Mau như tôm khô, bánh phồng tôm và ba khía đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận hàng chục nghìn khách hàng.
Là một trong những Hợp tác xã ứng dụng thành công sử dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm từ website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, sản phẩm của HTX Ba khía Đầm Dơi đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất, đứng top 9 trên sàn tiktok. Chính việc ứng dụng nền tảng công nghệ số tiktok thông qua việc xây dựng video và livestream trực tiếp bán hàng đã giúp hoạt động kinh doanh của HTX này thu hiệu quả cao.
Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Chuyển đổi số quốc gia” - các phiên livestream đã đạt hơn 1.400 đơn hàng với tổng lượt xem vượt 300.000. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm Cà Mau trên thị trường cả nước.
Ngoài việc đào tạo kỹ năng trực tuyến, Sở Công thương cũng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhằm quảng bá sản phẩm Cà Mau đến các đối tác tiềm năng. Tại hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024,” các sản phẩm OCOP như tôm khô và mắm tôm đã thu hút sự chú ý lớn, với nhiều hợp đồng tiêu thụ dài hạn được ký kết.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định“Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn trong việc phát triển kinh tế. Thương mại điện tử giúp chúng ta mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững”.
Hiện Cà Mau đang đẩy mạnh quản lý, vận hành hiệu quả các sàn thương mại điện tử, trong đó 2 sàn madeincamau.com, postmart.vn đã được đưa vào app chính quyền điện tử (CaMau-G). Số lượng tài khoản người bán trên 2 sàn thương mại điện tử là 5.566 tài khoản. Số lượng tài khoản người mua là 125.093 tài khoản. Tổng số nông sản lên sàn 706 sản phẩm. Tổng số loại sản phẩm OCOP lên sàn là 119 sản phẩm.
Còn về lĩnh vực chuyển đổi số, theo ông Huỳnh Quốc Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố then chốt giúp hội viên, nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Từ những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, Hội Nông dân tỉnh cũng xác định việc hỗ trợ hội viên, nông dân hội nhập và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Việc ứng dụng thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nói chung, sản phẩm trong lĩnh nông nghiệp nói riêng đến với khách hàng trong nước và trên thế giới một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trước đây phải đi tiếp thị trực tiếp với từng khách hàng, từng thị trường, tốn rất nhiều công sức và thời gian thì nay với thương mại điện tử chỉ cần đầu tư khâu thiết kế và công tác quảng bá trên sàn thương mại điện tử là có thể giảm được khâu trung gian, tăng cao lợi nhuận
Từ những kết quả đạt được, tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng chiến lược thương mại điện tử dài hạn, đặt trọng tâm vào việc phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện. Bao gồm việc tạo dựng các nền tảng trực tuyến dành riêng cho tỉnh, nơi các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng thương mại điện tử lớn. Các nền tảng này không chỉ cung cấp một kênh giao dịch mới mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Song song đó, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và internet tốc độ cao là điều kiện tiên quyết để thương mại điện tử phát triển đồng bộ. Đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, việc cải thiện khả năng tiếp cận mạng internet sẽ mở ra cơ hội để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận khách hàng trên toàn quốc.
Với những giải pháp này, Cà Mau không chỉ giữ vững thành tựu đã đạt được mà còn mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế địa phương. Thương mại điện tử và chuyển đổi số không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực chính để đưa kinh tế của tỉnh phát triển mạnh hơn,bền vững hơn. Sự kết hợp giữa các chính sách đúng đắn, sự đồng lòng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính quyền sẽ là nền tảng vững chắc để Cà Mau bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Có thể nói, Cà Mau đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Với những thành công hiện tại, tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn lực để vươn xa hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL và cả nước.
Cà Mau vừa thực hiện Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, tạo thêm nhiều dấu ấn trong chuyển đổi số ở vùng đất cực nam của Tổ quốc. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong đời sống, kinh tế và xã hội, từ thành thị đến nông thôn, giúp người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và gắn kết xã hội. Ở nhiều vùng nông thôn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.